Giang mai là một bệnh lý do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra. Bệnh có khả năng lây nhiễm nhanh vì nhiều người không nhận ra dấu hiệu bệnh, dẫn tới việc truyền nhiễm cho người khác. Quan hệ tình dục là một trong những con đường lây truyền bệnh phổ biến nhất. Ngoài ra, người khỏe mạnh có thể mắc phải căn bệnh này nếu tiếp xúc trực tiếp với vết săng giang mai trên cơ thể người bệnh. Nếu người có vết thương hở tiếp xúc với những vật dụng cá nhân có máu hoặc dịch của người bệnh cũng có nguy cơ nhiễm khuẩn. Bệnh còn có thể lây truyền từ mẹ sang con khi sinh qua đường âm đạo.
Bác sĩ Phạm Xuân Long, Khoa Nam học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, giang mai phát triển theo từng giai đoạn, các triệu chứng cũng theo đó thay đổi theo. Tuy nhiên những dấu hiệu bệnh ở mỗi giai đoạn có thể không thật sự rõ ràng hoặc chồng chéo lên nhau. Trong một số trường hợp, người bệnh giang mai có thể không nhận ra bất kỳ triệu chứng nào trong nhiều năm, dẫn đến chậm trễ trong điều trị, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Một số dấu hiệu điển hình của bệnh giang mai theo từng giai đoạn:
Giai đoạn 1
Đây là giai đoạn nguyên phát, còn gọi là giai đoạn giang mai sớm hoặc giang mai sơ cấp. Lúc này, ở những vị trí vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể sẽ bắt đầu có một vài vết loét nhỏ, không đau, được gọi là săng. Các săng giang mai thường xuất hiện trong khoảng 3 tuần sau khi nhiễm bệnh.
Săng có thể ẩn trong âm đạo, hậu môn hoặc trực tràng, do đó không phải người bệnh nào cũng có thể kịp thời phát hiện giang mai ở giai đoạn này. Trong 3 đến 6 tuần, các săng giang mai có thể tự lành và không để lại sẹo. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc giang mai đã khỏi, nếu không điều trị thì bệnh sẽ chuyển qua giai đoạn tiếp theo.
Giai đoạn 2
Giai đoạn này bắt đầu từ 6 tuần tới 6 tháng kể từ khi có tiếp xúc với nguồn lây bệnh. Lúc này, cơ thể người bệnh có thể xuất hiện những nốt phát ban màu hồng có hình dáng như đồng xu. Tình trạng phát ban có thể kèm theo các nốt mụn nước ở miệng hoặc vùng sinh dục. Người bệnh thường không bị ngứa nhưng có thể bị rụng tóc, sốt, đau nhức cơ thể, đau họng và sưng hạch bạch huyết do vi khuẩn đã đi vào máu, gây nhiễm trùng. Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp phải tình trạng tiểu buốt, tiểu rắt, nổi hạch ở gần cơ quan sinh dục. Các triệu chứng ở giai đoạn này có thể thuyên giảm mà không cần điều trị nhưng sẽ không khỏi hoàn toàn và thường xuyên tái phát.
Giai đoạn tiềm ẩn
Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời ở những giai đoạn đầu, giang mai sẽ chuyển sang giai đoạn tiềm ẩn. Giai đoạn này có thể kéo dài trong nhiều năm. Các triệu chứng bệnh thường biến mất hoặc trở nên mờ nhạt, khó có thể phát hiện nếu không làm xét nghiệm.
Giai đoạn cuối
Sau khi phát triển đến giai đoạn cuối, giang mai có thể gây ra nhiều tổn thương cho não, hệ thần kinh, mắt, tim, mạch máu, gan, xương khớp,... Điều này dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như liệt, mù lòa, điếc, sa sút trí tuệ, liệt dương hoặc thậm chí là tử vong.
Bác sĩ Xuân Long chia sẻ, giang mai là một bệnh lý có thể chữa khỏi hoàn toàn, tùy vào từng giai đoạn bệnh sẽ có hướng điều trị khác nhau. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh càng ở giai đoạn sau thì việc điều trị càng khó khăn. Do đó, nếu nghi ngờ mình có nguy cơ tiếp xúc với nguồn gốc truyền bệnh giang mai hoặc có những dấu hiệu cảnh báo, người bệnh nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Phi Hồng