Nhiều người dùng dầu gội khô để làm sạch, giúp tóc không bết dính và bồng bềnh nhanh hơn. Sử dụng dầu gội khô giúp tiết kiệm thời gian so với gội đầu thông thường, nhưng nếu liên tục có thể ảnh hưởng tóc và da đầu.
Khô tóc
Dầu gội khô có khả năng hấp thụ dầu. Nếu lạm dụng sản phẩm này có thể giảm lượng dầu tự nhiên, khiến tóc khô, dễ gãy. Dầu gội khô thường không chứa các thành phần dưỡng ẩm hoặc nuôi dưỡng như dầu gội, dầu xả thông thường nên tăng nguy cơ hư tổn tóc.
Không làm sạch tóc hoàn toàn
Dầu gội khô không thể làm sạch đầu như dầu gội và nước thông thường. Da đầu bẩn, dễ sản vi khuẩn và có mùi hôi khi dùng sản phẩm này hầu hết ngày trong tuần.
Viêm da
Dầu gội khô có thể gây ra phản ứng kích ứng hoặc dị ứng ở một số người do các thành phần như nước hoa, chất bảo quản, hóa chất khác. Người bị viêm da do tiếp xúc có các dấu hiệu như mẩn đỏ, bong tróc, ngứa hoặc rát da đầu.
Để tránh trường hợp này, nên đọc kỹ nhãn thành phần của sản phẩm, tránh chất gây kích ứng. Thông thường, bệnh tự khỏi sau khi ngừng sử dụng.
Bít tắc nang lông
Lạm dụng sản phẩm này mà không gội đầu dễ tích tụ hóa chất và chất bẩn trên da đầu. Nhiều cặn bẩn có thể dẫn đến tắc nghẽn nang lông, xuất hiện mụn trứng cá, mụn viêm hoặc mụn nhọt trên da đầu. Nếu mụn vỡ gây ngứa, rát và đau. Viêm nang lông nhẹ thường tự khỏi nhưng trường hợp nghiêm trọng hơn có thể cần dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống nấm.
Tránh dùng hơn 2-3 lần một tuần, tốt nhất cần cách ngày. Sau mỗi lần dùng cần gội đầu sạch để loại bỏ hóa chất và bụi bẩn tích tụ. Nên xịt dầu gội khô ở những vùng da nhờn và cách da đầu khoảng 10-15 cm.
Huyền My (Theo By Die, Healthshot)
Độc giả gửi câu hỏi bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |