(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Nhiều nhân viên ra yêu sách "giảm lương thì phải báo trước, nếu không sẽ kiện" khi thu nhập bị ảnh hưởng vì Covid-19. Trong luật lao động có điều khoản chủ doanh nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Quyền này dựa trên yếu tố khó khăn kinh tế khách quan – mọi doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng như nhau.
Ông chủ có trước hay nhân viên có trước? Đây không phải là câu hỏi kiểu con gà hay quả trứng. Công ty lúc đầu chỉ có một mình ông chủ. Làm ăn uy tín, khách hàng tin tưởng, đơn hàng nhiều làm không xuể, họ mới thuê thêm nhân viên. Cứ thế công ty ngày càng to ra. Không có nhiều đơn hàng thì thuê nhiều nhân viên để làm gì?
Không phải vì thế mà tôi coi thường những người làm thuê, nhưng nhiều nhân viên tự đặt mình quá cao – thái độ còn hơn cả làm chủ. Người làm chủ nếu sập tiệm là trắng tay. Còn người làm thuê, cùng lắm là đi nơi khác xin việc, chẳng mất gì. Người nào có thái độ như vậy, giỏi cách mấy tôi cũng cho nghỉ. Không biết tôn trọng cấp trên thì ở đâu cũng như nhau.
>> Nhân viên bất mãn vì bị giảm lương do Covid
Nghỉ cách ly 15 ngày, trừ thứ bảy, chủ nhật là nghỉ 11 ngày. Lương anh 30 triệu nhưng tháng này chỉ làm việc 25 ngày nên lương còn 13,2 triệu đồng là hợp lý. Nhiều người nghỉ không đi làm nhưng lại đòi nguyên lương. Thật khó hiểu. Trưởng phòng nhân sự công ty lên gặp tôi hỏi: "Nhân viên nghỉ nhiều quá, có ảnh hưởng gì đến công việc không?". "Ảnh hưởng gì chứ, còn vài đơn hàng trước dịch, cố làm cho xong đi, khó khăn chỉ mới bắt đầu thôi, có trụ được qua đoạn này mới tính tiếp được, ai xin nghỉ cho nghỉ thoải mái", tôi đáp.
Kết quả, hai tháng qua, chúng tôi vẫn chưa sa thải người nào – tài chính công ty vẫn còn cầm cự được nhưng lương nhân viên chỉ còn một nửa – bao gồm cả nhân sự quản lý như chúng tôi. Ai cũng hiểu, giữ lại công ty là giữ lại việc làm. Công ty đóng cửa thì cả đám ra đường hết.
Nhân viên có trung thành, chí cốt với công ty không là ở giai đoạn này. Cho dù công ty có phải sa thải nhân viên, cũng sẽ giữ lại hồ sơ của họ. Khi kinh tế khá lên, tuyển dụng lại nhân sự sẽ ưu tiên nhân viên cũ (nếu họ chưa đi làm ở đâu) – thâm niên tính lại từ đầu (vì đã trả phụ cấp thâm niên khi sa thải) nhưng vị trí công việc, mức lương sẽ không đổi. Làm người phải có trước có sau, ai cũng bo bo ích kỷ vơ phần lợi về mình thì chẳng bao giờ làm ăn lâu dài ở đâu được.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết cho trang Ý kiến tại đây.