Gần đây, theo dõi trên nhiều bài viết về chủ đề gia đình, tôi thấy có nhiều ý kiến cho rằng đàn ông Việt ngày nay đang bị đòi hỏi quá nhiều khi vừa phải đi làm kiếm tiền, vừa phải làm việc nhà, vừa phải chăm con. Cá nhân tôi lại cho rằng, đối với một gia đình cơ bản (có hai con) thì những kỳ vọng như vậy đối với người đàn ông là hoàn toàn hợp lý và không có gì quá đáng.
Tại sao lại như vậy? Lý do là vì phụ nữ đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi, cả hữu hình lẫn vô hình sau khi sinh con, nên người đàn ông cũng cần phải đóng góp nhiều hơn để bù đắp cho vợ mình. Thứ nhất, sau khi sinh con, nhìn chung sức khỏe phụ nữ chỉ còn khoảng 60-70% so với trước. Thứ hai, sinh hai đứa con đồng nghĩa với việc phụ nữ phải ở nhà tối thiểu 12 tháng (6 tháng nghỉ thai sản mỗi lần sinh nở), nhưng trên thực tế, công việc của họ sẽ bị ảnh hưởng kéo dài trong vòng khoảng 36 tháng.
Bởi kể từ tháng thứ ba của thai kỳ, người phụ nữ có xu hướng phải làm việc nhẹ nhàng, bớt căng thẳng hơn để dưỡng thai. Sau khi đi làm lại, họ vẫn được hưởng chế độ nuôi con nhỏ thêm sáu tháng, cho đến khi con tròn một tuổi. Như vậy, với mỗi đứa con, người phụ nữ sẽ mất 18 tháng không thể tập trung vào công việc. Ai sinh hai con coi như mất ba năm công việc bị đình trệ.
>> 'Phụ nữ hiện đại không cần vào bếp là nữ quyền lệch lạc'
Trên thực tế, ngay cả khi con đã trên một tuổi, người phụ nữ vẫn chưa thể toàn tâm, toàn ý cho công việc vì con vẫn đang ở trong độ tuổi dễ đau ốm. Mỗi lần như vậy, họ lại phải nghỉ phép để chăm con. Rõ ràng, ba năm không tập trung vào công việc này có tác động rất lớn đến sự nghiệp của người phụ nữ.
Thông thường, phụ nữ được khuyến cáo sinh xong hai con trước tuổi 35, thậm chí là trước 33 tuổi. Giả sử phụ nữ tốt nghiệp Đại học vào năm 22 tuổi, thì tính đến năm 33-35 tuổi họ sẽ có khoảng 12 năm để phấn đấu cho sự nghiệp. Bị mất tập trung trong vòng ba năm (vì sinh hai con) đồng nghĩa với việc thời gian để phấn đấu sự nghiệp của họ tiếp tục bị giảm đi khoảng 25% so với đàn ông. Như vậy thu nhập, tài sản tích lũy, vị trí công việc... của họ đều có xu hướng thua kém hơn chồng. Chưa kể sức khỏe, kinh nghiệm làm việc... của họ vốn đều thua thiệt.
Vậy thì đàn ông có nhận phần lớn nhiệm vụ như kiếm tiền, chăm con, làm việc nhà cũng đâu có gì là thiệt thòi? Hơn nữa, san sẻ gánh nặng để làm vợ mình vui cũng có nghĩa giúp cho gia đình hạnh phúc, con cái được chăm sóc tốt hơn. Đó chẳng phải là niềm hạnh phúc lớn nhất của một người chồng, người cha hay sao. Cớ sao nhiều người đàn ông Việt lại so đo, tỵ nạnh?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.