"Đàn ông ở nhà nội trợ có phải là hèn?". Câu hỏi trên khiến tôi phải trăn trở nhiều về xã hội hiện đại và những quan niệm, định kiến của con người ngày nay về bình đẳng giới, đặc biệt là với người đàn ông.
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà của cải vật chất được biểu trưng qua đồng tiền. Và để duy trì sự sống, chúng ta không thể sống thiếu của cải vật chất, ít nhất ở mức có thể đáp ứng được những nhu cầu căn bản của đời sống sinh hoạt. Vì vậy mà dù là nam hay nữ, một trong những tiêu chí để người ta đánh giá nhau là ở khả năng kiếm tiền, và nhìn vào bản chất tức là năng lực tự duy trì sự sống (trước tiên là của bản thân, sau đó là của những cá thể khác có liên quan mật thiết đến chúng ta).
Tuy nhiên, vì sinh ra mang thân nam giới, xã hội liền bắt người đàn ông phải có khả năng kiếm tiền vượt trội hơn một nửa còn lại của thế giới là phụ nữ. Hãy quay trở lại mô hình xã hội thời nguyên thủy, khi mà để có thể sinh tồn trong một môi trường nguyên sơ đầy rẫy hiểm nguy, con người đã phân chia các vai trò xã hội khác nhau, cho các cá thể với những đặc tính sinh học khác nhau.
Nam giới, với sức mạnh thể lực vốn vượt trội hơn rất nhiều so với nữ giới, chịu trách nhiệm săn bắt thú hoang làm thức ăn, cùng các công việc đòi hỏi thể lực khác. Nữ giới, với cơ thể yếu ớt hơn nam giới, cùng với khả năng thụ thai và sinh sản mà nam giới không có, chịu trách nhiệm hái lượm và chăm sóc con non, quán xuyến các công việc ở trong phạm vi cư trú.
Cứ như vậy mà loài người sinh sôi và phát triển. Mặc dù xã hội bây giờ đã có nhiều bước tiến vượt bậc so với hàng triệu, hàng nghìn, hàng trăm năm trước, nhưng trong tiềm thức chúng ta luôn ngầm mặc định vai trò của từng giới. Chúng ta cho rằng đó là bản chất của loài người, với tính nam và tính nữ minh định bất phân.
>> Áp lực 'mang tiền về cho vợ'
Nhưng không. Chúng ta là con người, chúng ta có nhân tính. Nam tính và nữ tính chỉ là những định kiến được nhào nặn bởi văn hóa và quá trình xây dựng cấu trúc xã hội. Với tư cách là con người, miễn là không làm tổn hại đến những cá thể khác, chúng ta có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Thế nhưng, xã hội lại bắt chúng ta phải sống theo cách mà người đời muốn, phải cảm thấy tự do trong khi xã hội dùng những gông xiềng vô hình áp bức con người, phải hạnh phúc trong khi xã hội cũng không hiểu hạnh phúc đích thực là gì? Đó chính là một trong những nguyên nhân mà xuyên suốt dòng chảy bất tận của lịch sử loài người, chúng ta luôn đàn áp và tàn sát lẫn nhau.
Đàn ông ở nhà nội trợ tuyệt đối là một quyết định nên được tôn trọng. Huống hồ nếu họ vẫn tự nuôi mình được bằng tiền tiết kiệm của chính mình. Thực ra, xã hội luôn có cái nhìn dè bỉu với những người đóng vai trò nội trợ (bất kể nam hay nữ) vì cái quan điểm sai lầm rằng những người như vậy là vô dụng. Có thể hiểu cho định kiến đó vì trong sự phát triển của xã hội mà tiền được xem là thước đo của sự thịnh vượng.
Nhưng liệu mọi người có nhận ra chính những người như vậy lại có sức ảnh hưởng cực kỳ lớn với sự phát triển của xã hội? Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, mà xã hội là một cơ thể cực kỳ phức tạp, sự lành mạnh của cơ thể này phụ thuộc vào sự lành mạnh của mỗi tế bào tạo nên nó. Ngay cả Khổng Tử cũng đã nói: "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Thế nên, xét cho cùng, cuộc sống của bạn, đều do chính bạn kiến tạo nên mà thôi. Hãy bình tâm mà sống!
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.