Tôi tin là vẫn còn nhan nhản khắp nơi. Chẳng qua vì một chút sỉ diện của người phụ nữ mà nhiều chị em chưa tiện phơi bày nó ra ánh sáng mà thôi.
Tôi đi tụ họp cùng đám bạn "hội mẹ bỉm sữa", được nghe rất nhiều câu chuyện của từng gia đình nhỏ, hầu hết đều có từ một đến hai con nhỏ.
Một đứa bạn tôi nói: "Nhỏ An vậy mà sướng, tốt nghiệp ra trường lấy được anh chồng nhà ở Sài Gòn, giờ chả phải lo nghĩ việc mua nhà".
- Thế cơ à. Nhỏ Thảo, chồng nghèo lắm, đi làm lao động chân tay. Thế mà vợ không bao giờ nấu cho chồng bữa cơm. Nghe đâu, chồng Thảo chán nên đi nhậu suốt, vì về nhà cũng có cơm đâu mà ăn. Đi nhậu vừa sướng, vừa no bụng, lại không phải nghe cằn nhằn
>> Tôi e ngại những cô gái độc thân tuổi 30
- Trời, như chồng tôi ham điện tử có thèm trông con cho tôi làm việc nhà đâu. Mang tiếng thời buổi 4.0, ai ai cũng bảo nam – nữ bình đẳng. Nhưng chồng tôi có phải động tay vô cọng ngò lần nào, cả ngày nuôi thú cưỡi voi đánh trận trong game thôi.
- Chồng tôi từ lúc cưới về chả bao giờ nhờ vả được cái gì cả, suốt ngày đi lo chuyện thiên hạ thái bình thôi. Các cụ gọi là "việc nhà thì nhác, mà việc chú bác thì siêng đấy".
Rồi đâu đó tiếng thở dài "tụi mình chọn nhầm chồng cả rồi, thôi mày ở vậy đi đừng lấy chồng Vân Anh nhé".
Tôi mặc cho đám bạn cứ theo cái đà của câu chuyện mà liến thoắng kể với nhau. Dần dần mọi góc tối của từng gia đình bị những cô bạn phơi bày một cách không thương tiếc. Tôi thầm nghĩ các đấng mày râu khi nghe những lời này các anh có thấy chột dạ hay không?
Tôi biết bản thân người phụ nữ ai cũng muốn lấy được một tấm chồng tốt: Không rượu chè, cờ bạc, bồ bịch, game, không nhật nhẹt, biết chăm lo cho vợ - con, đối nhân xử thế hai bên nội, ngoại.
Xin thưa với các chị, người chồng này chỉ có trong truyền thuyết nhé. Tại sao công chúa lấy được hoàng tử hạnh phúc bên nhau chỉ kết thúc ở đấy? Tại sao Lọ Lem sau khi cưới được hoàng tử thì câu chuyện cũng dừng lại mà không có đoạn sau?
>> Lương nghìn USD, có gì phải ngại khi độc thân ở tuổi 30
Và muôn vàn cái happy ending cũng kết thúc bằng câu "họ hạnh phúc bên nhau đến già" mà chẳng ai viết tiếp đoạn còn lại sau đó? Đơn giản vì nó là truyện cho chúng ta cách nhìn tích cực, còn thực tế thì không.
Thực tế là, sáng lay con dậy đi học. Hên thì nó dậy ngoan ngoãn. Hôm nào xui thì nó khóc oà lên vì muốn ngủ tiếp. Con chưa kịp đi học thì nhận ra gần trễ giờ làm trong khi khuôn mặt mình chưa kịp tô lớp phấn, phủ lớp son, thậm chí quần áo vớ cái nào trong tủ ngay ngắn thì choàng vô người cho xong chuyện.
Đưa con đến được lớp thì mồ hôi chảy dài trên trán, vội vàng chạy lên công ty cho kịp giờ để...bấm vân tay. Chiều tan sở thì cũng tranh thủ lội giữa dòng người chật cứng để rước con bé đang đợi mẹ. Cơm nước nghỉ ngơi dạy con, chơi với con đã là hết cả tối.
Cái điệp khúc đấy cứ lặp đi lặp lại trong hàng năm trời của người phụ nữ, bảo sao họ không chán nản mà đâm ra cáu gắt với người bạn đời? Nếu như cô vợ nào lấy được anh chồng thường xuyên đưa đón con đi học về, chơi cùng con, học cùng con thậm chí ngủ cùng con thì phước phần hơn các cô còn lại, anh ta ắt hẳn là idol trong mắt hội chị em phụ nữ chúng tôi.
Hôm nọ đi cà phê, tôi có hỏi một đứa em gái: "Anh ta xấu tính xấu nết đến thế thì sao em lấy anh ấy làm gì? – cô bé đáp dửng dưng phần nuối tiếc: "Làm sao em biết được là chồng em lười đến thế hả chị, biết thế này em đã chẳng lấy anh ta đâu? Biết thế em cũng chẳng lấy chồng luôn".
>> Hội bạn gái 'không xấu, không vô duyên, không lấy được chồng'
Tôi cười nhạt, nhún vai một cách vô thức và bảo: "Em gái à! Em đã nghe qua câu "xấu chàng hổ thiếp" chưa? Em ngồi đây chê chồng mình xấu xa đủ điều là cái sai thứ nhất, em có biết việc đem so sánh với chồng người ta là cái sai thứ 2. Cái sai thứ 3 là câu nói vừa rồi của em?
Mọi quyết định tại thời điểm đó đều được em lựa chọn kỹ càng nhất và chị chắc rằng không ai có thể giúp em định đoạt hôn nhân của đời em. Chị nghĩ thay vì ngồi đây trách chồng tại sao em không bớt chút thời gian để ngẫm bản thân mình đã đúng hay chưa hở em?
Nếu chồng em đem tính cách, sở trường sở đoản em ra so sánh với vợ bạn anh ta, thì em có thấy vui không?".
Em tiếp lời tôi: "Nhưng bạn em đấy chị, lấy được anh chồng giàu có, không phải làm gì. Chẳng như em ở nhà bố mẹ chả phải động vô cọng rau, giờ chị nhìn tay em lúc nào cũng khô ráp vì nước đấy. Đã thế mỗi lần em nhờ vả gì anh ấy cũng khó chịu với em".
Tôi hỏi lại "Thế em nhờ gì mà anh ta không làm?" – Em không nói gì chỉ đáp hững hờ: "Lần nào anh ấy chả thế, em không muốn sống cùng anh ấy nữa, muốn ly dị"
Hai từ ly dị luôn là cách mà các cô vợ giải quyết với chồng khi anh chồng mắc lỗi trên mọi phương diện. Hở một cái là ly dị. Anh không rửa chén tôi sẽ ly dị, anh không mua đồ cho tôi ăn là ly dị. Anh đã không còn như lúc yêu nữa "tôi ly dị". Anh đi nhậu với bạn bè nhiều không quan tâm gia đình tôi sẽ "ly dị". Anh ngoại tình tôi sẽ "ly dị"... các kiểu tội lỗi.
Chung quy lại vấn đề có phải chúng ta đang quá hy vọng vào người bạn đời mình không? Thuở con gái tụi tôi thường hỏi nhau mẫu chồng lý tưởng sau này là như thế nào? Bây giờ các chị em vẫn đang sống trong cái ảo mộng đó. Đến khi thực tế không như mong đợi, từng hành động của anh chồng làm tổn thương đến lòng tự ái của các chị. Giọt nước tràn ly là thế đấy!
Cớ sao phải so sánh ai hơn ai làm gì nhất là đời sống hôn nhân? Chả có hôn nhân nào là không tồn tại mùi "thuốc súng" cả. Có chăng là họ khéo léo che đậy mà thôi. Họ chả cần phải quát tháo ầm ĩ lên làm gì cho xấu mặt ra, chỉ lặng lặng chia tay.
>> Kết hôn trước 30 tuổi: Sớm con, sớm cháu, sớm thảnh thơi
Hãy là người phụ nữ của chính cuộc đời mình, dù có hai hay ba con thì hãy kiên cường nhé. Kiên cường là cho mình trước, cho con mình là tiếp theo. Đừng mang cuộc đời mình mà phụ thuộc vào người đàn ông và đừng trông chờ họ làm điều gì cho mình.
Khi em kiếm ra được tiền nuôi bản thân là điều hiển hách nhất, khi có chỗ đứng trong xã hội là điều tự hào nhất. Khi tô lớp son môi thay vì lau nước mắt là khi lộng lẫy nhất. Lựa chọn vũng bùn lầy hay cầu vồng sau mưa? Tùy vào chị em phụ nữ cả đấy thôi.
Van Anh Nguyen
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bàitại đây.