(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Sau khi học hết cấp 3, một số bạn bè xuôi dòng lên thành phố học tiếp hoặc tìm việc làm thì cậu tôi quyết định ở lại quê nhà, vừa làm ruộng, vừa chăm sóc cha mẹ già. Cậu lấy mợ tôi năm 22 tuổi, khi cả hai đều là thanh niên đồng trang lứa trong xã.
Lấy vợ sớm, dĩ nhiên cuộc sống của cậu mợ tôi vô cùng khó khăn nhưng vẫn cố gắng vượt qua. Đất ruộng của nhà làm lúa không có dư, cậu tôi thuê đất làm thêm. Mợ ở nhà mở sạp tạp hóa buôn bán nhỏ, vừa chăm con, vừa nuôi thêm heo, gà, vịt. Sau cơn bĩ cực thì cũng đến hồi thái lai, cuộc sống gia đình cậu cũng dần ổn định như đứa con được 5, 7 tuổi.
Cậu tư của tôi năm nay mới 48 tuổi nhưng con gái lớn đã tốt nghiệp đại học được 4 năm. Nếu có dịp hai cha con đi chung với nhau, người ngoài nhìn vào không biết sẽ tưởng là hai anh em, vì nhìn cậu còn rất trẻ. Vì thế hễ gặp đám thanh niên trong xã là cậu khuyến khích nên kết hôn sớm. Cực trước, sướng sau.
Nhìn lại cuộc sống ngày xưa đơn giản, chuyện cưới hỏi giữa những thanh niên trai gái trong làng xã cũng diễn ra nhanh gọn. Con trai đến tuổi cập kê hễ chịu cô gái nào và cô ấy gật đầu, bật đèn xanh thì về nói cha mẹ sửa soạn trầu cau qua nhà gái làm lễ dạm ngõ.
>> Thanh niên Việt ngại cưới vì áp lực 'cơm áo, gạo, tiền'
Không như bây giờ, thanh niên có nhiều lựa chọn thông qua mạng internet, các ứng dụng hẹn hò...lựa mãi chưa xong. Đời sống hiện đại, mọi nhu cầu đều chạy theo vật chất và lấy đồng tiền làm thước đo nên thanh niên ngại kết hôn sinh con sớm.
Từ khi đất nước đổi mới, kinh tế phát triển cũng đã hàng chục năm. Thời gian này đủ dài để kéo dãn sức trẻ dân số nước ta. Hệ lụy đi sau đó là nguy cơ dân số già hóa, thiếu hụt lượng lao động cần thiết.
Vì thế, tôi cho rằng việc khuyến khích thanh niên kết hôn trước tuổi 30 là hợp lý. Kết hôn sớm, có con sớm, có cháu sớm thì tuổi già sớm thảnh thơi.
Ngày xưa ông bà, cha mẹ chúng ta vượt qua rất nhiều khó khăn, thiếu thốn vẫn nuôi nổi một bầy con đông đúc. Ngày nay cả cha lẫn mẹ đều đi làm, công việc thì không thiếu, chẳng lẽ không nuôi nổi một đứa con?
Nhiều trường hợp kết hôn muộn, sinh con muộn trong độ tuổi 30-40, tuy lúc đó kinh tế, tiền bạc dư giả nhưng gẫm lại thời gian con cái ở bên cha mẹ rất ít. Khi chúng 22 tuổi, tốt nghiệp đại học thì cha mẹ đã 60-70 tuổi. Chưa kịp đi làm tích lũy báo hiếu thì cha mẹ đã bệnh tật, qua đời, nên có câu "Cha già, con mọn" là để diễn tả những nỗi khổ đau đó.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Nhật Tân