Đồi mồi có giống nám không, điều trị như thế nào? (Thu Minh, 48 tuổi, TP HCM)
Trả lời:
Nám da là tình trạng rối loạn tăng sắc tố da, xuất hiện khi sắc tố melanin sản sinh quá mức dẫn đến hình thành các mảng hoặc dát màu nâu ở gò má, trán, mũi.
Vết nám thường bằng phẳng, màu đậm hơn màu da bình thường, gặp nhiều ở phụ nữ 20-50 tuổi, nhất là khi mang thai và sau sinh. Nám da có thể đậm và nhạt dần theo thời gian, thường nặng vào mùa hè, nhẹ hơn vào mùa đông; biểu hiện khác nhau tùy theo kích thước, màu sắc, độ nông, sâu.
Đồi mồi là dạng đặc biệt của tăng sắc tố da nhưng khác với nám. Đồi mồi có kích thước lớn hơn, khoảng 0,5-2,5 cm, màu nâu sậm hoặc đen, dày sừng, gồ trên mặt da; thường xuất hiện ở mặt, cánh tay, vai, ngực. Đồi mồi thường xuất hiện sau tuổi 60 và là dấu hiệu của lão hóa do tiếp xúc thường xuyên với nắng. Tuổi càng cao, đốm càng nhiều, màu đậm và lớn hơn.
Đốm đồi mồi có màu sắc bất thường, gây ngứa, đau, chảy máu có thể liên quan đến ung thư da. Nếu có các dấu hiệu này, chị nên tới bệnh viện có chuyên khoa da liễu hoặc ung thư để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Nám và đồi mồi có thể điều trị bằng nhiều phương pháp như thoa kem, uống thuốc, peel (tái tạo da bằng hóa chất) hoặc bắn laser, IPL, điện di, tiêm meso, lăn kim... Tuy nhiên, đặc tính của chúng khác nhau, chị nên đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu - thẩm mỹ da để được xác định tính chất, tình trạng da cũng như mức độ nám, đồi mồi để có liệu trình điều trị tốt nhất. Thông thường, người bị tăng sắc tố mức độ nhẹ có thể dùng kem bôi, thuốc uống làm sáng da hoặc peel da.
Điều trị nám da tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nông, trung bình, sâu. Trường hợp nám da do nội tiết tố thay đổi, mang thai hoặc uống thuốc tránh thai, sử dụng mỹ phẩm, tiếp xúc ánh sáng mặt trời... có thể giảm sau khi sinh hoặc ngừng tiếp xúc với những nguyên nhân trên.
Vết nám sâu, nám hỗn hợp có thể phải kết hợp nhiều phương pháp, thực hiện nhiều lần để đạt được hiệu quả điều trị. Ví dụ, bác sĩ kết hợp thuốc thoa, thuốc uống với các phương pháp như laser để phá vỡ melanin thành nhiều mảnh nhỏ và tiêm meso để giảm quá trình tạo melanin mới, ức chế vận chuyển melanin lên bề mặt da.
Laser đóng vai trò chủ yếu trong điều trị đốm đồi mồi. Liệu trình này cần thực hiện 3-5 lần, tùy theo độ sâu của đồi mồi. Bác sĩ cũng có thể chỉ định thực hiện phương pháp áp lạnh (chấm hoặc xịt ni tơ lỏng) lên vết đồi mồi, thuốc bôi hoặc peel da.
Sau điều trị nám và đồi mồi, chị phải tránh nắng bằng kem chống nắng, che chắn kỹ khi ra ngoài. Bác sĩ có thể kê thêm một vài sản phẩm làm sáng da nhằm hạn chế tình trạng tăng sắc tố quay trở lại.
Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Thùy Trang
Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da,
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu - thẩm mỹ da tại đây để bác sĩ giải đáp |