Thời đi học, cô giáo dạy Văn của tôi có nói rằng: "Lần đầu tiên nhìn ra biển lớn, người ta thường nhận ra điều gì đó giá trị nhất trong cuộc sống". Cô nói về sự mênh mông của biển cả, về sự rộng lớn của bầu trời tỏa khắp như thể làm nhỏ lại những ưu tư, phiền não, "nuốt chửng" những định kiến hẹp hòi và khiến những ích kỷ trong mỗi chúng ta phải hổ thẹn mà biến mất. Cái giá trị lớn được nhắc tới tựa như tìm được sự thuộc về một thế giới rộng lớn hơn, thế giới khoan dung, độ lượng và sự hạnh phúc đến từ việc cân bằng cuộc sống.
Lần đầu nhìn ra biển lớn, cũng giống như một trải nghiệm của chuyến đi xa, chúng ta sẽ nghĩ gì và nên hành xử như thế nào? Một chuyến du lịch xa xôi, một chuyến công tác dài ngày... phải như thế nào để kết nối với văn hóa, con người nơi miền đất lạ, mở rộng cánh cửa trái tim cũng là cách để khiến chúng ta nhìn thế giới này theo cách khác, tìm kiếm niềm hạnh phúc từ những điều giản đơn và loại bỏ những stress vốn có?
Thêm một điều nữa, cởi mở và lắng nghe những điều khác lạ đôi lúc khiến chúng ta phản ứng, là một điều quan trọng để thấu hiểu bản thân hơn, lắng nghe người khác hơn, và hoàn thiện chính mình hơn. Bản thân việc hoàn thiện chẳng bao giờ là thừa trong một thế giới luôn phải vận động cả. Einstein cũng từng có câu nói: "Cuộc sống cũng giống như đang đạp xe, muốn cân bằng thì bạn phải tiến về phía trước".
Kết nối với cộng đồng
Câu chuyện về tình bạn đặc biệt giữa hai tỷ phú Warren Buffett và Bill Gates cũng bắt đầu từ sự ác cảm của Bill Gates khi tin rằng Buffett chỉ mua đi bán lại và chẳng tạo ra điều gì. Còn Warren thì coi Bill Gates còn quá non nớt để nói chuyện. Thế nhưng rồi khi gặp nhau, họ cuốn vào cuộc nói chuyện, Buffett hỏi về ngành công nghệ, còn Bill Gates khuyên ông nên mua cổ phiếu Intel và Microsoft. Nền tảng từ việc sẵn sàng chia sẻ, lắng nghe khiến chúng ta phá băng những ranh giới giữa các mối quan hệ, kết thêm bạn và học hỏi được những điều mới mẻ, những chuyến đi xa chính là cơ hội để ta giao du, kết bạn nhiều hơn nữa.
Tôi từng có trải nghiệm với những chuyến đi xa đến tỉnh Sơn La, ở nhà sàn với người Thái, ngồi nghe các câu chuyện về việc ở nhà sàn tránh động vật rừng, nhà sàn cũng là nét đẹp của họ, người Thái thích hài hòa với thiên nhiên nên nhà cũng dùng gỗ nhiều, và ẩn nấp trong cánh rừng... Trong những chuyến đi xa như vậy, thật dễ dàng để hiểu hơn về triết lý sống hòa hợp với thiên nhiên, như một phần của thiên nhiên mà Nguyễn Bỉnh Khiêm từng ngâm: "Thu ăn măng trúc, đông ăn giá. Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao".
>> 'Người Việt lười du lịch nước ngoài'
Đi xa và gặp những người mới, cũng chính là cơ hội để chúng ta giãi bày về cuộc sống, trút ra những áp lực của mình mà để cảm nhận rằng thế giới ngoài kia vẫn luôn lắng nghe bạn. Và biết đâu đấy, việc họ đưa cho bạn một ý tưởng nào đó quan trọng lại giúp chúng ta giải quyết được những vướng mắc thực sự của bản thân mình.
Việc trải nghiệm ẩm thực và văn hóa ở vùng đất lạ cũng cho ta học hỏi, và nhìn thế giới khác đi. Điều này không chỉ từ việc hiểu biết thật nhiều vùng đất mới lạ, mà còn là sự quan tâm sâu sắc, cảm giác tìm kiếm và tự chủ giúp ta "refresh" bản thân.
Ví dụ, nếu ở Phú Quốc bạn có thể thử ăn cá trích - một loại đặc sản ở vùng đất mà khí hậu chỉ khoảng 28 độ C và nằm trong vịnh Thái Lan rất hiền hòa, trù phú về mặt sinh vật. Người Phú Quốc hiền hòa như khí hậu vậy, thật thà và tốt tính, một đặc tính mà nơi đâu làm du lịch cũng thật là đáng quý. Ở Phú Quốc còn nổi tiếng hơn nữa là nước mắm, có người nói với tôi rằng nước mắm Phú Quốc đậm đà và ngon cũng như tình cảm của con người với nhau, luôn mang trong mình sự đậm đà bản sắc và nhung nhớ mỗi khi xa rời.
Có vẻ như, khi kết nối với ẩm thực, với văn hóa và con người thông qua các câu chuyện, khiến cho mọi thứ như hòa quyện, xâu chuỗi lại, khiến bạn tự nhiên sẽ có cái cảm giác rất tự do, như thể làm chủ được cuộc sống của mình. Cảm xúc này có thể xóa nhòa đi những áp lực của cuộc sống hằng ngày, giữa bộn bề công việc, những lo toan, giúp chúng ta học thêm điều gì mới và tái tạo lại cả sức lao động.
Việt Nam chúng ta xưa nay có lịch sử hào hùng, truyền thống và tín ngưỡng. Do đó các di tích lịch sử, chùa, đền... là điểm đến rất quý giá, để học hỏi tìm hiểu về lịch sử. Thấu hiểu giữa văn hóa và lịch sử sẽ đem tới cảm giác thấu hiểu mảnh đất mình sinh sống hơn, bình an và ung dung.
Một điều quan trọng nữa trong việc hiểu nhiều hơn văn hóa và lịch sử còn tạo cho ta cảm hứng để sáng tạo trong công việc sau này. Có những công ty chuyên về agency chia sẻ rằng, họ thường tìm kiếm các chuyên gia về văn hóa, để đào tạo, chia sẻ các thông tin về văn hóa, con người, tạo cảm hứng sáng tạo cho nhân sự của họ. Tục ngữ vẫn nói "Trăm nghe không bằng một thấy". Rõ ràng, việc trải nghiệm nhiều hơn văn hóa, đi theo chiều sâu vào văn hóa là cơ hội để chúng ta học hỏi và sáng tạo tốt hơn.
>> Kiếm 100 triệu mỗi tháng - cho con đi du lịch thế giới thay vì để dành?
Gia tăng vốn xã hội cho bản thân
Người ta vẫn nói "Đi một ngày đàng học một sàng khôn". Mỗi khi đi đâu xa chúng ta đều có cơ hội nhiều để học hỏi, học từ văn hóa bản địa, con người, ẩm thực để đúc rút ra những giá trị sâu sắc, có thể kết thêm nhiều bạn mới... Nhưng làm như thế nào để gia tăng được cho bản thân mình nguồn vốn chung đó, đó là một câu hỏi mỗi người nên đặt ra và tự tìm câu trả lời.
Nếu ta coi mỗi lần bước ra khỏi nhà để giao tiếp, làm việc ở bên ngoài là một lần đi xa, thì sẽ thấy rất nhiều người đã đi xa và để lại nhiều cuốn sách hay. "Đắc nhân tâm" là một cuốn sách nổi tiếng về cách cư xử đúng mực, giao tiếp và đàm phán của Dale Carnegie. Đó cũng là những điều được đúc rút kinh nghiệm từ thực tế và quan sát trong cuộc sống hằng ngày của tác giả.
Nếu chúng ta quan tâm về đạo đức kinh doanh cũng có thể biết tới "Luận ngữ và bàn tính" - cuốn sách nổi tiếng của Shibusawa Eiichi. Sự kết hợp giữa đạo xử thế và triết lý kinh doanh – tôn chỉ suốt đời ông, là những gì mà ông đúc rút từ góc nhìn của một nhà kinh doanh. Việc tinh tế quan sát thế giới vận hành, xâu chuỗi kiến thức thông qua những tác phẩm bằng chữ, sẽ giúp chúng ta không chỉ dễ dàng quản trị tri thức của bản thân, gửi gắm tới người khác, mà còn tạo cho mình cái tâm thế sẵn sàng để học hỏi, để lắng nghe và thấu hiểu hơn.
Ví dụ như đại nhạc hội Epizode mỗi năm quy tụ 15.000 người ở khu phức hợp Sunset Sanato. Nếu chúng ta trải nghiệm rồi sẽ có thể hiểu được cách người ta khuấy động không khí như thế nào, từ âm thanh, màu sắc, cách hô khẩu hiệu, dàn dựng sân khấu... từ đó đưa ra các ý tưởng để gây ấn tượng mạnh. Ngược lại, nếu chúng ta lên vùng Tây Bắc xa xôi của tổ quốc, được hòa cùng không khí quây quần múa xòe, bên cạnh bình rượu cần, để cảm nhận sự ấm cúng, thì lại có thể đưa ra những bài học về sự ấm cúng, tình cảm được tạo ra từ không gian đó.
Sẽ có nhiều bài học từ những sự kiện như vậy, chỉ đơn thuần bằng việc ngẫm nghĩ và ghi chép. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên giữ kết nối với những miền đất mà mình đã qua, bằng cách duy trì liên lạc với những mối quan hệ nơi đó để giữ lại cho mình cảm xúc cá nhân luôn luôn đa sắc màu, đa văn hóa. Thời buổi công nghệ hiện đại, mạng xã hội và điện thoại luôn thường trực, hãy thi thoảng tương tác, liên hệ với những người quen nơi vùng đất đó, hỏi thăm nhau, chia sẻ nhau những câu chuyện và góc nhìn để làm mới hơn cuộc sống.
Tôi ở Hà Nội, có vài người bạn ở Phú Yên, thi thoảng hỏi thăm nhau, gọi nhau để nghe tiếng miền lạ, tự nhiên mà thấy ngày mới đến rất tinh tươm. Gói gọn lại cuộc sống đôi khi là những chuyến đi. Nếu mỗi chuyến đi, chúng ta mang về cho bản thân mình một điều gì đó mới mẻ, có những người bạn mới, học hỏi những điều mới, thì cuộc sống sẽ luôn là những điều hay ho để khám phá. Và quan trọng nhất, bạn sẽ luôn tự tin làm chủ hành trình của chính mình.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.