Tôi biết tên nhiều nước trên thế giới từ khi còn rất nhỏ. Bọn trẻ con chúng tôi hồi đó suốt ngày đố nhau về tên các quốc gia, cờ và tên thủ đô. Chúng tôi chia phe theo nước ở các trò chơi như đánh trận giả, viết tên, vẽ cờ lên những con robot, xe tăng, đầu bò được làm bằng những vỏ bao thuốc lá sưu tầm qua những trưa hè bêu nắng đi xin. Lớn lên một chút, tôi thích đọc các sách liên quan đến lịch sử, địa lý.
Bố tôi mua cho tôi một quả địa cầu, ông chỉ cho tôi năm châu lục, bốn đại dương. Ông còn mang về cho tôi rất nhiều các loại bản đồ khác nhau. Ông chỉ cho tôi các nước mình đã đến học và công tác. Thời trẻ, bố tôi học và đi làm ở một vài nước, nên ông cũng sưu tầm cho tôi khá nhiều tài liệu về các quốc gia đó. Mỗi ngày đọc một chút, dần dần tôi thấy mình có nhiều hơn động lực, ước mơ được đến các nước trên thế giới giống bố mình.
Nói vậy để thấy, ai trong mình cũng có một ước mơ được đặt chân đến một vùng đất nào đó. Có người chọn cách du học, người làm phóng viên, chuyên viên ngoại giao, có người lựa chọn hợp tác kinh tế, người làm tiếp viên hàng không, người là hướng dẫn viên du lịch... và có cả những người đơn giản chỉ là đi du lịch nước ngoài.
Đã bao giờ bạn tự hỏi mình nên du lịch nước ngoài tự túc vào lúc nào chưa? Tôi dám chắc nhưng câu trả lời sẽ phụ thuộc vào mỗi người, vào điều kiện, hoàn cảnh và nhu cầu của chính người đó. Với tôi, ngoài ước mơ ra, nó còn là mong muốn được tìm hiểu về mỗi vùng miền, phong cảnh đất nước, về văn hóa, phong tục tập quán của những người dân ở những nơi đó. Hơn thế nữa, tôi muốn được hiểu biết về sự phát triển của mỗi quốc gia, về sự văn minh tiến bộ, những đặc điểm khác và tương đồng như Việt Nam.
>> Kiếm 100 triệu mỗi tháng - cho con đi du lịch thế giới thay vì để dành?
Tôi biết một vài người có nhiều những mục tiêu khác. Ngoài sự hiểu biết của chính bản thân họ, còn là ước muốn truyền cảm hứng, tạo khát khao cho chính con cái. Tôi hỏi bạn mình - một người rất có tình cảm với châu Âu: "Sao mày chưa đi châu Âu? Cứ loanh quanh mãi Nhật Bản, Hàn Quốc làm gì?".
Bạn tôi trả lời rằng: "Đương nhiên là tao sẽ đi, nhưng trước mắt tao muốn cho bọn trẻ con ở nhà 'ngấm' dần dần. Nhật Bản, Hàn Quốc gần nước ta hơn, dễ đi hơn, nên cho chúng tìm hiểu trước, luyện thêm ngoại ngữ, làm quen với tác phong của con người ở xã hội văn minh. Khi nào chúng nắm bắt được rồi thì đi những nước phát triển khác sẽ không bị bỡ ngỡ. Lúc đó, chúng sẽ thấy có động lực để quyết tâm đi du học, quyết giành cái học bổng mà phấn đấu".
Tôi thấy điều bạn nói là đúng. Tôi vẫn nghĩ rằng, nếu đi được nước ngoài thì nên đi sớm. Vì mỗi một tuổi một khác. Tuổi trẻ nhiều hoài bão, ước mơ, mong muốn chinh phục, nhưng lại hạn chế về tài chính. Lớn hơn một chút, bạn lại thấy mình thuộc về gia đình, nhu cầu cơm áo gạo tiền, con cái, và nhiều thứ chi phối nên ngại đi xa. Khi về già thì sức khỏe không cho phép, đi đâu cũng muốn nhưng bạn cần người dẫn đi. Thời gian có chờ ai đâu.
Đấy là còn chưa kể đến những thảm họa thiên nhiên hay sự tàn phá của chính con người làm biến mất hoặc thay đổi hiện trạng những nơi phải đến một lần trong đời. Nhà thờ Đức Bà Paris, làng cổ ở Tây Tạng, một vài ngôi nhà ở Hallstatt bị cháy rụi; Venice giờ bị triều cường, dân du lịch như cá bơi lội; Cửu Trại Câu bị động đất, mãi mới phục hồi được một phần; rừng ở California liên tục cháy; Hongkong biểu tình suốt gần một năm nay; công nhân ở Pháp liên tục đình công...
Cậu em trước làm cùng với tôi, giờ mỗi năm lại dành thời gian ra đi thăm thú những nơi ít người đặt chân đến như: Tây Tạng, Nepal, Pakistan và một vài nước đạo Hồi. Nói thật, sau khi xem ảnh của cậu, tôi mê tít. Cảnh đẹp tuyệt vời! Cậu ta bảo, cứ đưa máy lên là có ảnh đẹp. Tuy nhiên, để đi được những chuyến như thế cũng rất vất vả, phải đánh đổi nhiều thứ. Đó là những chuyến bay tốn kém, đi lại khó khăn, ăn uống khổ sở, chưa kể sống trong những môi trường phức tạp, nguy hiểm.
Tôi hỏi: "Em đi những nước này rồi, liệu có khó xin visa những nước phát triển không?". Cậu ta trả lời: "Em còn trẻ, đi cho sướng đã, những nước kia khi nào chùn chân mỏi gối rồi tính. Giờ luyện chân, luyện tay, luyện tinh thần, ý chí để đạt được ước muốn". Tôi nhìn thấy cái khát khao trong tâm hồn cùng ánh mắt lóe lên niềm hạnh phúc của cậu.
Bên cạnh nhà tôi có một chú người Pháp, mới tốt nghiệp đại học, thuê nhà mấy tháng, làm cộng tác viên cho nhà sách. Ông bảo: "Người phương Tây chúng tôi đi nước ngoài sớm lắm. Từ bé đã được bố mẹ cho đi đây đi đó rồi. Thế nên lớn lên ít khi phải xin visa, cứ thế là đi, hầu như ai cũng đi. Ra trường hoặc đang trong thời gian thực tập thì vay lấy một khoản tiền rồi đi các nước làm cộng tác viên, tìm hiểu đời sống, con người, văn hóa, tín ngưỡng, nhu cầu, môi trường, nền kinh tế... Sau khi về, họ sẽ đi làm để trả nợ dần. Mỗi nước ở một thời gian, hết hạn lưu trú lại sang nước khác. Khoản tiền kiếm được vừa để sống, vừa để trả nợ. Đi vài tháng hoặc cả năm cũng về có thêm sự hiểu biết nhất định".
Tôi nghe những lời ông chú nói mà ngán ngẩm cho bản thân mình, nghĩ bụng "sao chúng ta khổ sở thế?". Không phải vì dân mình không muốn đi mà vì cái hộ chiếu nước ta còn kém phổ biến quá. Một bộ phận người dân chúng ta đang góp phần tự làm giá trị hộ chiếu Việt yếu đi, dẫn đến mỗi khi đi đâu cũng phải xin một đống tiền, thủ tục mà chưa chắc đã cược cấp visa.
Chúng ta hay mặc định suy nghĩ theo lộ trình: sinh viên tốt nghiệp rồi đi làm; làm vài năm, tích lũy, gom góp đủ tiền mới có được chuyến đi đầu tiên. Rất ít người dám vay tiền để đi du lịch. Người dám đi thì bị người ở nhà ý kiến là "sang chảnh", "chưa làm gì ra tiền mà đã đi chơi".
Ở chỗ tôi đang làm, người Hàn Quốc tràn ngập. Mỗi một người sang đây đều kéo theo gia đình, bạn bè, người quen. Họ cùng hợp tác để phát triển. Đó trở thành một nơi rất tốt để cho những cô cậu sinh viên Hàn Quốc tốt nghiệp có thể sang rèn luyện. Tiếng Việt không biết, tiếng Anh hạn chế, nhưng họ lại rất nhanh nhạy về xử lý công việc và các mối quan hệ. Họ học được nhiều thứ trước khi về nước để đi nghĩa vụ quân sự.
Người Việt Nam 22, 23 tuổi đã là kỳ cựu trong cơ quan, nhưng người Hàn phải cỡ 25, 26 tuổi mới nộp đơn xin việc. Những khoảng thời gian ở nước ngoài là hành trang mà họ mang theo để về nước làm việc. Nếu coi một chuyến đi là kế hoạch đầu tư dài hạn thì tâm thế cũng sẽ rất khác. Mỗi một người sẽ thu lượm lấy cho mình một cái gì đó còn thiếu cho kho hiểu biết còn đang nhiều khoảng trống của mình.
Đôi khi đơn giản chỉ là được sống, được trải nghiệm, ngắm nhìn, hít thở bầu không khí rồi về. Cao hơn là tiếp thu văn minh của thế giới, mang được cái gì về làm tốt hơn cho bản thân và đồng loại. Tiền kiếm được chẳng qua cũng chỉ để làm cho cuộc sống tốt hơn. Đi thật sớm, đi ngay khi có thể. Mỗi người chỉ sống một lần, nên cứ đi vì đời cho phép. Hãy tìm lấy cho mình những người bạn đồng hành để mỗi bước chân được vững vàng và đi xa hơn.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.