Lâu nay, chúng ta vẫn thường nghe nói nhiều người học đại học nhưng ra trường lại không làm việc đúng chuyên môn đã được học (trái ngành, trái nghề), hoặc không làm những công việc mà nếu không học đại học người ta vẫn làm được (làm công nhân, làm xe ôm công nghệ, làm shipper....) . Cũng có những lời ca thán "học đại học tốn thời gian, tốn tiền bạc nhưng cuộc sống và thu nhập lại thua những người không có bằng cấp...". Tiêu cực hơn, lại có người tỏ ra ân hận vì đã chọn con đường học đại học.
Những điều đó không phản ánh hết bức tranh về cuộc sống và sự nghiệp của những người đã từng học và có bằng cấp đại học. Tuy nhiên, những mảng màu tiêu cực đó không phải là ít trong toàn cảnh của bức tranh nói trên. Trong thực tế, bên cạnh những người sống ổn, thậm chí là thành công nhờ chuyên môn được đào tạo trong trường đại học, thì cũng không khó bắt gặp những người chật vật mưu sinh hay tìm chỗ đứng của mình dù họ đã có trong tay tấm bằng cử nhân (thậm chí là nhiều bằng đại học).
Ngoài ra, mặc dù cùng học một trường đại học, cùng tốt nghiệp một ngành nghề giống nhau, cùng có xuất phát điểm tương đương, nhưng khi ra trường mỗi người lại có những sự thành bại khác nhau. Tại sao vậy?
Đề trả lời cho câu họi này tôi xin làm một phép so sánh, liên tưởng thế này. Khi chúng ta có bằng đại học trong tay thì cũng giống như mới có một bát cơm trắng. Chúng ta có thể ăn cơm ngay nhưng rất khó nuốt trôi. Nếu thêm chút mắm muối thì cũng ăn tạm được nhưng nó chưa có nhiều giá trị dinh dưỡng.
Nếu có thêm một vài món thức ăn (thịt, cá...) thì món cơm sẽ ngon hơn hẳn và giá trị của nó cũng được nâng lên rất nhiều. Nếu chúng ta thêm vào bên món cơm những món đặc sản hay sơn hào hải vị và đặt nó trong một khung cảnh nhà hàng sang trọng thì món cơm sẽ được nâng giá trị lên hàng chục, hàng trăm lần.
>> Học đại học trái ngành vẫn 'đè bẹp' người không bằng cấp
Điều chắc chắn là dù có thêm gì thì ta vẫn gọi nó là món cơm mà thôi. Như vậy, giá trị của món cơm được nâng lên chính là nhờ vào những thức ăn phụ trợ cho nó. Cũng giống như vậy, tấm bằng đại học có giá trị và hữu ích hay không chính là nhờ những "món phụ" đi kèm theo nó. Những "món" đó chính là khả năng ngoại ngữ, các kỹ năng mềm (kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng tự học và cập nhật kiến thức, kỹ năng quản trị rủi ro...), khả năng chịu áp lực, khát vọng và ý chí vươn lên...
So sánh thêm một khía cạnh khác nữa để thấy sự tương đồng giữa bằng đại học và bát cơm trắng. Ngày xưa, khi kinh tế còn khó khăn thì những bát cơm dù không ngon, không có nhiều những món phụ trợ, thậm chí còn lẫn rất nhiều sạn người ta vẫn dùng được vì không có nhiều lựa chọn. Tương tự, những người có bằng đại học khi đó cũng rất hiếm nên dù họ không có nhiều kỹ năng đi kèm vẫn được trọng dụng.
Còn ngày nay, số lượng những người có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học rất nhiều (có nhiều ngành nghề, lĩnh vực số lượng nhân lực có trình độ cao đã trở nên bão hòa hoặc cung đã vượt cầu) thì sự cạnh tranh trở nên rất quyết liệt, gắt gao. Những người chỉ có bằng cấp dạng "cơm trắng" thì rất khó tìm được việc làm và thu nhập tốt bằng chính ngành học của mình.
Vì vậy, những người có bằng cấp mà công việc và thu nhập chưa được như ý, thay vì kêu ca, phàn nàn, hãy xem lại mình đã trang bị được những "món phụ trợ" cần thiết để phục vụ cho bằng cấp chuyên môn chính hay chưa? Để có được những thứ đó đòi hỏi phải nỗ lực, sự đầu tư và những phương pháp cũng như chiến lược phù hợp, rõ ràng.
- Hai bằng đại học nhưng tôi 'chẳng được tích sự gì'
- Tôi nhận ra giá trị bằng đại học tại Việt Nam sau khi đi du học
- Đại học phải chịu trách nhiệm khi sinh viên 'mới tốt nghiệp đã thất nghiệp'
- Đại học 'dễ vào, dễ ra, khó xin việc'
- Lãng phí đại học khi bằng giỏi vẫn thất nghiệp
- 'Hai bằng đại học không bằng người có nhà, đất'