"Việc tiếp cận kiến thức bậc đại học hoàn toàn không có gì sai nhưng tôi thấy nhiều người có phản ứng khá gay gắt. Việc học đại học là nguyện vọng của mỗi người. Sau kỳ thi THPT quốc gia, bản thân học sinh và gia đình các em đã biết rõ khả năng của mỗi người rồi. Học đại học để có kiến thức là điều tốt, dù gì người có kiến thức vẫn tốt hơn là không biết gì.
Ở công ty của tôi có vài anh chị ở phòng IT, tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh, Kinh tế... nhưng vẫn làm tốt ở vị trí IT, làm Dev, với mức lương không hề thấp. Đúng là họ làm trái chuyên môn nhưng rõ ràng kiến thức ở bậc đại học đóng góp rất nhiều để họ có thể làm tốt công việc hiện giờ.
Học đại học như thế nào là chuyện của mỗi sinh viên. Các em học hành chểnh mảng, chơi nhiều hơn học, học tàng tàng chỉ để lấy được tấm bằng và ra trường thì chắc chắn sẽ nhận hậu quả tương xứng về sau. Điều đó không có nghĩa là tấm bằng không có giá trị. Sau tuổi 18 mà các bạn không có trách nhiệm với chính bản thân mình thì thất bại là chuyện đương nhiên.
Một số người khuyên người thân của mình không cần học đại học, theo tôi là không ổn. Bản chất của đại học không phải đào tạo kiểu 'học gì làm nấy', đó là khác biệt lớn nhất so với trường cao đẳng, trường nghề. Ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên đại học còn được dạy các kỹ năng, mà quan trọng nhất là tạo thêm các mối quan hệ. Việc kiến thức chỉ dùng được hai tháng, hay cả năm thất nghiệp là những trải nghiệm của một vài cá nhân, nó không đại diện cho cả xã hội.
>> Gần 20 năm đổi ba đại học nhưng vẫn làm trái ngành
Vi học đại học sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tìm kiếm công việc ổn định. Có thể lương khởi điểm sau khi ra trường của bạn chỉ 8-9 triệu đồng (thậm chí thấp hơn), nhưng cơ hội thăng tiến sau này sẽ rất cao, chưa kể là tạo được một số mối quan hệ rất tốt. Bạn thời đại học của tôi đa số là dân tỉnh lẻ, nhưng học xong đều có công việc đàng hoàng, đúng chuyên môn trên thành phố.
Bên mảng IT của mình, tôi thấy vài bạn bỏ học lúc năm ba, năm tư để đi làm Dev với mức lương khoảng 8-12 triệu đồng tháng. Thời gian đầu, mức lương đó có vẻ ngon nghẻ, khiến họ bị ảo tưởng rằng chẳng cần phải học đại học cũng vẫn có thể kiếm được nhiều tiền. Nhưng tới lúc xét tăng lương thì chính những người đó lại bị ép lương. Chuyển qua công ty khác, họ cũng vẫn bị ép lương, muốn lên quản lý cũng không được đề bạt vì không có bằng đại học.
Còn có công ty quy định rõ ràng rằng 'không nhận chính thức người không có bằng đại học'. Tôi không thần thánh hóa bằng đại học, nhưng rõ ràng nếu bạn không có tấm bằng đó thì sẽ đẩy bản thân vào thế yếu, luôn bị các công ty, tổ chức chèn ép mọi thứ sau này".
Đó là quan điểm của độc Ta Ka về giá trị của bằng đại học. Theo thống kê mới nhất, năm nay, khoảng 337.000 thí sinh không đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng nghĩa bỏ cơ hội vào đại học. Lý do chủ yếu là nhiều em thấy không có khả năng cạnh tranh nên chủ động bỏ. Nhiều người vẫn nói "đại học không phải là con đường duy nhất đến thành công". Vậy bỏ đại học có phải một lựa chọn khôn ngoan?
Bạn có ủng hộ quan điểm bỏ học đại học? Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
- 'Bằng giỏi đại học vứt xó để đi chạy xe ôm'
- 'Bạn bỏ đại học cuộc sống như mơ, tôi cử nhân vẫn đi ở trọ'
- 'Sống sót sau cuộc sa thải hàng loạt nhờ có bằng cấp'
- Không bằng cấp nhưng lương 'đè bẹp' mấy người bạn tốt nghiệp đại học
- Hai bằng đại học nhưng tôi 'chẳng được tích sự gì'
- Có nhà, có xe sau 8 năm tốt nghiệp đại học