"Nên công bố sớm phương án thi vào 10?" đang là câu hỏi được nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm lúc này. Thông thường, môn thi thứ tư được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố vào cuối tháng 3, khoảng 3-4 tháng trước khi kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập diễn ra. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến lại cho rằng, cần sớm công bố phương án tổ chức và môn thi thứ tư ngay từ thời điểm này. Xung quanh câu chuyện này, độc giả Song Phuong chia sẻ quan điểm:
Tôi kiến nghị, nếu như môn thứ tư đã là môn sẽ phải thi hàng năm thì Sở Giáo dục nên thông báo ngay từ đầu năm học cho các em chuẩn bị dần kiến thức. Vì nếu không thông báo sớm, các em ngoài phải lo lắng ba môn thi bắt buộc, lại phải học dàn trải tất cả các môn khác trong trạng thái phán đoán, loại trừ các môn đã thi so với các năm trước.
Chúng ta không thể bắt một học sinh phải giỏi hết các môn được. Các em có năng khiếu với một số môn tùy theo năng lực cá nhân, nếu bắt cái gì cũng phải biết thì tình trạng cưỡi ngựa xem hoa là không tránh khỏi, trong khi những môn các em yêu thích lại không phát huy hết được. Theo tôi, nên thông báo môn thi thứ tư vào đầu năm học.
Một kỳ thi tốt nghiệp với phụ huynh và học sinh cực kỳ áp lực. Ba môn bắt buộc thì đương nhiên bao năm không thay đổi, nhưng môn thi thứ tư lại thay đổi hàng năm. Thông thường, học sinh cuối cấp phải chờ đến gần nửa học kỳ II mới biết được môn thi cuối cùng. Lúc đó, bản thân các em, giáo viên và phụ huynh lại phải lao vào cuộc chiến học cấp tốc môn này để đi thi.
Trong khi đó, các môn còn lại, ngoài ba môn thi chính, các em vẫn phải học như bình thường vẫn phải kiểm tra, trả bài hàng ngày, vô tình làm tăng áp lực học tập. Việc thông báo môn thi ngay từ đầu năm sẽ giúp các con có sự chuẩn bị chi tiết và cẩn thận hơn như với ba môn cố định.
>> Học sinh Việt ám ảnh phải giỏi toàn diện
Có người cho rằng nếu báo trước môn thi có thể khiến các em học lệch, nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi có hai con nhưng lại ngược nhau về năng khiếu. Một bé thích môn xã hội, không thích học môn tự nhiên nên rất vất vả khi phải học Toán, Lý, Hóa. Tôi quan điểm rằng các con mỗi người có một sở trường và sở đoản khác nhau, nên luôn khuyến khích con theo đuổi những môn thích học nhất để phát huy được hết thế mạnh của mình. Còn với các môn sở đoản, tôi chỉ cần các con học được 7-8 điểm là được. Nhờ đó, con tôi chưa bao giờ bị điểm 6 ngay cả ở môn không thích.
Con gái của tôi không thích môn Văn nhưng con rất thích đọc truyện và đọc rất nhiều. Tôi nghĩ rằng, không phải cứ cảm thụ văn học trong sách giáo khoa mới là học Văn. Con tôi có thể không viết Văn tốt trên lớp vì cách viết của con không theo cách mà giáo viên mong muốn, và tôi chấp nhận điều đó. Chúng ta cũng không thể mong một đứa trẻ thích sáng tác thơ phải giỏi cả Vật lý, Hoá học, phải hiểu hết bài Sinh học, hay một đưa trẻ có năng khiếu thể thao phải học tốt cả Văn, Toán.
Tất nhiên, ai cũng mong muốn con mình thi tốt và học đều các môn, nhưng không phải cái gì muốn cũng đều thực hiện được. Hãy đứng trên góc độ là phụ huynh của các em để đưa ra những ý kiến sao cho phù hợp với mọi đối tượng học sinh, chứ không phải là áp đặt chúng phải giỏi toàn diện thế này, thế kia.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.