Tôi có đọc ý kiến về việc nên bỏ các kì thi học sinh giỏi, với tư cách là một học sinh, tôi cho rằng thực tế không quá khắc nghiệt như vậy. Hiện tại, tôi đang là học sinh lớp 9 (lớp chọn và có tham gia đội tuyển chuyên Văn của trường).
Thứ nhất, tôi nghĩ rằng học sinh giỏi không hoàn toàn bị mất đi thời gian vui chơi và đầy sự áp lực, dẫn đến trầm cảm. Theo như tôi thấy đa số học sinh vào đội tuyển là tự nguyện, cũng có một số bạn được giáo viên nhận thấy ưu điểm nên định hướng vào đội tuyển để phát huy năng lực bản thân.
Đúng là việc học đội tuyển có những áp lực, nhưng tôi nghĩ không đáng kể. Bản thân tôi sau giờ học chính khóa trên lớp vẫn đi học đội tuyển, sau đó có cả học thêm. Chưa hết, sau một ngày học tập, về đến nhà, tôi lại lao vào học và làm bài về nhà, ôn bài đội tuyển. Có hôm, tôi chạy deadline bài tập học sinh giỏi đến tận 1-2 giờ sáng, nhưng tôi cảm thấy rất xứng đáng.
Đúng là có áp lực thật, nhưng nếu bây giờ không còn được thi học sinh giỏi, tôi còn thấy tiếc nuối hơn. Khi vào đội tuyển, tôi được các thầy cô dạy rất nhiều kiến thức chuyên sâu mà trên lớp không thể đáp ứng được. Nếu không có đội tuyển, không có cuộc thi học sinh giỏi, có lẽ tôi sẽ không bao giờ có được cơ hội, thời gian học tập nhiều kiến thức chuyên sâu như vậy.
Còn về việc nhiều người cho rằng học nhiều như vậy sẽ không có thời gian để chơi, tôi thấy mỗi người sinh ra đều đã là thiên tài cả. Có người chọn lựa việc chơi để không phí đi thanh xuân, cũng có người khác sẽ chọn việc học tập là niềm vui, đam mê. Cho nên, bản thân tôi không thấy bị mất thời gian tận thưởng thanh xuân. Những người lựa chọn việc học như tôi thì thanh xuân của họ chính là những sự nỗ lực, cố gắng, là những đêm thức khuya làm bài tập trên lớp lẫn đội tuyển và được đồng hành cùng các bạn trong đội tuyển khi tìm được những người bạn chung chí hướng...
Không có ai mất thời gian cả, chỉ có những người lựa chọn bước đi trên con đường học tập mà thôi. Vì vậy, dù có áp lực hay mệt nhọc, tôi sẽ vẫn lựa chọn vào đội tuyển. Thực sự, lượng kiến thức mà tôi học được đã giúp ích rất nhiều cho tôi.
>> 'Nhiều trường quá xem trọng giải thưởng học sinh giỏi'
Thứ hai, việc nhiều học sinh vào đội tuyển sẽ được ưu tiên cộng điểm, học lệch, tôi thấy cũng không hoàn toàn như vậy. Ai rồi cũng đi một đường riêng, học một ngành riêng thì việc được ưu tiên đấy cũng hợp lý. Các học sinh giỏi đó đã phải thức khuya, dậy sớm, bỏ tiền, bỏ sức, bỏ thời gian ra để học ngày học đêm mới đạt được những sự ưu tiên đó, đâu phải tự nhiên mà họ có được đặc quyền như vậy. So với những học sinh vô lo vô nghĩ, vừa học vừa chơi để có được "thanh xuân đẹp", tôi cho rằng những học sinh đội tuyển rất xứng đáng được nhận sự ưu tiên đấy.
Ví dụ, bản thân tôi đã bỏ rất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc để được học tập và trụ vững ở lớp chọn trong suốt bốn năm cấp hai và giờ lại tiếp tục đánh đổi cho việc học đội tuyển với mục đích là thi vào trường chuyên cấp ba. Nếu bây giờ bỏ thi học sinh giỏi, khác nào những học sinh đang nổ lực, không ngừng cố gắng như chúng tôi sẽ thành công cốc? Chúng tôi phải đánh đổi rất nhiều thứ so với các bạn bè, vậy mà sau này phải thi ở cùng cấp bậc, cào bằng hết, vậy sự công bằng ở đâu?
Cũng không phải "gà nòi" nào cũng được thưởng điểm, học lệch, vẫn có người đảm bảo được việc học đầy đủ các các môn trên lớp và đội tuyển, vẫn có một bộ phận học sinh đội tuyển phải nổ lực hết sức mình để xứng đáng với sự ưu tiên đó.
Thứ ba, với ý kiến cho rằng cuộc thi học sinh giỏi chưa đủ để phát huy năng lực của học sinh, bản thân tôi dù đã cố gắng ôn luyện rất nhiều nhưng khi vào thi vẫn khá sốc vì đề thi nặng óc hơn tưởng tượng nhiều. Điều đó đã khiến tôi phải vắt 100% sức lực của bộ não để tư duy làm bài. Vì vậy, tôi thấy các kỳ thi học sinh giỏi không chỉ đáp ứng điều yêu cầu mà còn vượt hơn cả tầm để học sinh phát huy nữa là đằng khác.
Thứ tư, việc thi học sinh giỏi đã trở thành cuộc chạy đua thành tích, tôi thấy là chuyện bình thường. Đã là cuộc thi, đương nhiên phải có ganh đua thành tích, như vậy nó mới có động lực, chứ không lẽ giờ ai cũng học rồi chơi, thi cho vui, vậy sau này ai làm giám đốc, bác sĩ, giáo viên...? Nếu chạy đua thành tích mà tạo ra được ý chí cho học sinh vươn lên thì tôi thấy cũng không có gì xấu. Hơn nữa, các học sinh khi đã quyết định chọn đầu tư cho học tập thì việc sống và trải nghiệm trong áp lực cũng là bình thường.
Cuối cùng, tôi mong trong tương lai, đề thi học sinh giỏi sẽ do Phòng hay Bộ Giáo dục & Đào tạo ra và đưa cán bộ đi chấm thi. Như vậy sẽ tạo được sự công bằng cho tất cả các trường. Trên đây là những suy nghĩ, góc nhìn thực tế của tôi - một học sinh đang tham gia đội tuyển học sinh giỏi cấp hai. Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp các độc giả hiểu hơn về môi trường học tập, sinh hoạt của những học sinh bị gán mác "gà nòi" như chúng tôi.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.