Cách đây khoảng nửa tháng, cậu con trai 15 tuổi nhà hàng xóm của tôi phóng xe máy chở theo hai người bạn cùng học, đã đâm vào phía sau chiếc xe gắn máy của người phụ nữ đi cùng chiều. Rất may vụ tai nạn chỉ gây ra xây xát phần mềm ở chân, tay, thân thể của cả ba học sinh. Thực ra, đây không phải lần đầu cậu bé gây tai nạn đâm xe, cách đây chừng hơn một năm, cậu cũng từng ngã xe trên đường do tay lái còn non.
Có một điều tôi cũng như một số người hàng xóm thấy hơi lạ là không hiểu sao cậu bé mới có mười mấy tuổi đầu mà cha mẹ vẫn giao xe gắn máy cho đi học, đi chơi. Họ thừa biết con mình chưa đủ tuổi để được sử dụng xe máy tham gia giao thông trên đường nhưng vì sao vẫn bất chấp?
Hay như chị bạn tôi cũng có đứa con trai năm nay mới học lớp 9. Thấy chúng bạn đi học bằng xe gắn máy nên cậu cùng nằng nặc đòi cha mẹ mua cho một chiếc xe để chạy. Chị bạn tôi cương quyết khước từ đòi hỏi của con, và hứa khi nào con đủ 18 tuổi sẽ mua cho. Thế nhưng, cha thằng nhỏ lại chiều con, nên tự quyết định mua cho một chiếc xe máy trị giá hơn 20 triệu đồng.
Có xe máy, thằng nhỏ không chỉ đi học, mà tối nào cũng mang xe chở bạn đi chơi. Có lần, nó gây tai nạn khi đâm vào một người đi xe đạp điện. Hậu quả, cu cậu bị gãy tay, phải bó bột, còn người đi xe đạp điện còn gãy cả chân... Thế nhưng, sau vụ đó, thay vì cấm hẳn con trai sử dụng xe máy, người cha vẫn nuông chiều, tiếp tục cho con chạy xe ra đường. Tôi tự hỏi chẳng lẽ tới khi con gây tai nạn chết người thì người cha mới tỉnh ngộ hay sao? Lúc ấy thì có hối cũng không còn kịp nữa.
>> Tôi kiên quyết không cho con đi học bằng xe máy, xe đạp điện
Trong những năm gần đây, chuyện mua xe máy trở nên rất dễ dàng với mỗi gia đình, kể cả ở làng quê, thôn bản. Nhà nào hầu như cũng có ít nhất một chiếc xe gắn máy, có nhà hai, ba chiếc. Thế nhưng, chuyện mua sắm xe máy đôi lúc không đi liền với việc quản lý, ý thức chấp hành quy định pháp luật về giao thông đường bộ. Thấy con mới hơn học cấp hai đã "cưỡi" xe gắn máy để tập tành chạy nhưng nhiều cha mẹ vẫn điềm nhiên không cấm đoán gì cả, có khi còn ủng hộ.
Dẫu cho con lạng lách, đánh võng, chạy xe ẩu, suýt gây tai nạn... nhưng cha mẹ cũng không có động thái gì chấn chỉnh. Có gia đình hàng xóm nhà tôi đi đâu cũng cho con cầm lái chở cha mẹ, từ đằng sau nhìn tới chẳng thấy người lái đâu vì nó quá nhỏ thó. Tôi bày tỏ lo lắng thì người mẹ trấn an: "Nó đi được mà, vả lại để cho nó chạy xe cho quen dần".
Chính vì rất nhiều cha mẹ quá dễ dãi trong việc cho con trẻ chạy xe máy như vậy nên mới có cảnh phóng nhanh vượt ẩu, đi không biết nhường đường, chở người vượt số lượng quy định, không đội mũ bảo hiểm, không bật đèn xi-nhan báo hiệu... Khi trẻ tự ý điều khiển xe gắn máy khi chưa đủ tuổi cũng đồng nghĩa với việc các em không có giấy phép lái xe, chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức về Luật Giao thông đường bộ.
Pháp luật quy định rõ trách nhiệm dân sự và cả hình sự của chủ phương tiện khi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển. Cho nên, phụ huynh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi giao xe cho con, và cần nêu gương cho con cháu trong tuân thủ pháp luật. Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, các bậc phụ huynh không nên chủ quan, tuyệt đối không giao xe cho con em mình khi chúng chưa đủ tuổi lái xe theo luật định. Những điều đó trước hết là vì sự an toàn của người thân trong gia đình mình, kế đến là sự bình yên của những người khác tham gia giao thông trên đường.
- Cha mẹ dễ dãi cho con vài trăm nghìn
- Mẹ giành chỗ cho con trai cưng trong sân chơi chung
- Cha mẹ sửng cồ khi quý tử bị nhắc nhở vì phá phách trong quán ăn
- 'Con còn bé, đã biết gì đâu'
- Cả nhà chiều hư cháu gái bốn tuổi
- Nuông chiều con nhưng nghĩ là tôn trọng