Vợ chồng người hàng xóm của tôi có hai đứa con, bé trai đang học lớp 6, còn cô con gái út năm nay học lớp 4. Gia đình họ khá dư dả về kinh tế nên những đứa con được nuông chiều hết mức. Vì cả hai vợ chồng đều mải lo làm ăn buôn bán bận rộn tối ngày nên những đứa con cứ "tự biên tự diễn" trong mọi sinh hoạt tại nhà cũng như tự túc đi học mà không có người đưa đón.
Ngay như chuyện tiền nong, khi chúng cần gì, cần bao nhiêu tiền và chỉ cần mở miệng hỏi xin bố mẹ là ngay tức thì được đáp ứng liền. Từ chuyện tiền ăn sáng, tiền tiêu vặt, tiền mua đồ dùng học tập, cho tới các khoản tiền đóng góp ở nhà trường..., các con chỉ cần thông báo số lượng bao nhiêu là vợ chồng họ mở tủ lấy ra đưa ngay mà không hỏi han điều gì.
Chính vì nhà có điều kiện kinh tế, bố mẹ lại quá dễ dãi như vậy, nên những đứa con của gia đình này đã sinh hư, thường xuyên nói dối và bịa ra nhiều lý do để xin tiền bố mẹ. Tôi để ý nhiều lần thấy cậu con trai mặc dù học buổi chiều nhưng đều rời nhà từ trước giờ trưa. Có lần tôi phát hiện cu cậu tạt qua quán net để chìm đắm vào các trò game vô bổ. Chuẩn bị đến giờ học, cậu bé mới vội vàng tới trường, rồi sau giờ tan học lại tạt qua quán chơi game tiếp.
Cô con gái cũng vậy, hễ thấy anh đi khỏi nhà là cô bé cũng khóa cửa để đi chơi. Nguy hiểm hơn nữa, chúng thường xuyên nói dối, bịa ra muôn vàn lý do để xin tiền cha mẹ. Nếu vợ chồng người hàng xóm không nhanh chóng siết lại việc quản lý giáo dục con cái, nhất là khoản cho tiền vô tội vạ mà không cần biết con làm gì, tiêu ra sao thì sẽ cực kỳ nguy hiểm. Bây giờ con của họ còn bé, nếu không có sự giáo dục nghiêm túc thì lớn lên sẽ hỏng hẳn.
>> Tôi lạc lõng vì không cho con tiền tiêu vặt
Cũng tương tự gia đình trên, chị bạn cùng quê với tôi, cũng rất "thoáng" trong việc cho con tiền bạc. Con gái chị học cấp hai nhưng tuần nào cũng xin rất nhiều thứ tiền với đủ lý do: khi thì mua đồ dùng học tập, lúc lại tiêu vặt, gửi xe, ăn sáng, học thêm... Có khi số tiền lên tới cả vài trăm ngàn đồng, nhưng chị bạn tôi không nề hà hỏi han gì mà cứ thế rút tiền đưa cho con luôn.
Thấy chị thi thoảng tâm sự, tôi đã góp ý rằng: "Chị cần phải hỏi han, tìm hiểu kỹ ngọn nguồn xem những đồng tiền con xin có tiêu pha vào những việc chính đáng hay không? Nếu con mà xin để chơi game, hay tiêu vào những trò vô bổ, không có lợi cho bản thân thì phải chấn chỉnh ngay để ngăn chặn những hậu họa về sau này".
Thế nhưng, chị chỉ cười trừ đáp lại: "Chị tin tưởng con nên mới không hỏi, nó sẽ tự biết suy nghĩ để không làm mất lòng tin từ bố mẹ. Con gái nhà chị nó hiền, ngoan và chăm học lắm nên từ xưa giờ chị không nghi ngờ điều gì".
Tôi nhận ra rằng, trong xã hội ngày nay, vấn đề này không còn là thiểu số mà nó đã, đang là thực trạng chung, đáng báo động. Kinh tế khá giả, các bậc phụ huynh thường tin tưởng con mình mà không nề hà cho tiền, cũng như không hỏi han, tìm hiểu cặn kẽ xem con tiêu tiền mình cho vào những việc gì, có hợp lý, đúng mục đích hay không? Việc cha mẹ mù quáng và trao tiền dễ dãi cho con cái, e rằng một ngày nào đó họ sẽ hối cũng không kịp.
- Mẹ hốt hoảng vì chung cư mất điện đúng giờ ngủ của con trai cưng
- Cha mẹ sửng cồ khi quý tử bị nhắc nhở vì phá phách trong quán ăn
- Cả nhà chiều hư cháu gái bốn tuổi
- Nuông chiều con nhưng nghĩ là tôn trọng
- 'Tự hào con 18 tuổi học giỏi dù không biết nấu cơm'
- Những cha mẹ nuông chiều con theo kiểu 'từ từ sẽ lớn'