Những ngày gần đây chuyện siết dạy thêm, học thêm đang là đề tài nóng bỏng trên các báo và mạng xã hội. Phần lớn người dân đều phản đối dạy thêm, học thêm và ủng hộ Thông tư 29. Nhưng cũng có những người cho rằng quy định mới có phần quá cứng nhắc, gây khó cho giáo viên. Tất nhiên, mỗi người đều có những lý do riêng để bảo vệ quan điểm của mình. Nhưng phần lớn đều đang nghiêng hẳn về một phía nào đó, chứ ít ai đứng ở giữa để suy nghĩ một cách khách quan, thấu đáo.
Theo dõi các cuộc tranh luận, tôi thấy có một số ý kiến (đa phần là giáo viên) cho rằng chương trình học hiện nay đang quá nặng nên giáo viên phải dạy thêm, học sinh phải học thêm mới giải quyết hết được kiến thức. Nhưng phía ngược lại (phần nhiều là phụ huynh, học sinh) phản biện rằng chương trình không nặng, vấn đề là do giáo viên không dạy hết mình ở trên lớp, cắt xén kiến thức để đem ra dạy thêm.
Với căn bệnh thành tích đang ngày một trầm kha với giáo dục Việt hiện nay, tôi cho rằng rất khó có thể đánh giá được chất lượng thực chất của học sinh nếu chỉ thông qua điểm số, trừ khi đó là một kỳ thi chung, nghiêm túc như kỳ thi vào lớp 10 hay tốt nghiệp THPT.
Thế nên, tôi không muốn tranh luận thêm rằng vì sao cần dạy thêm, học thêm. Cái tôi muốn nói và phân tích là trách nhiệm của nhà trường, được đưa vào kế hoạch giáo dục và không phải là hoạt động dạy thêm thu tiền. Nghĩa là ôn thi cuối cấp thì giáo viên phải dạy miễn phí vì nó nằm trong kế hoạch của nhà trường. Nhà trường sẽ trả tiền thêm giờ cho giáo viên từ nguồn ngân sách và khoản thu theo quy định.
>> 'Toàn học sinh khá, giỏi, sao còn phải học thêm?'
Thế nhưng, vấn đề là nguồn ngân sách này từ đâu, khoản thu theo quy định kia là những khoản nào? Đối với những trường ngoài hệ thống giáo dục công lập, không có nguồn ngân sách nhà nước cấp phát, vậy họ phải dạy miễn phí hay được thu tiền của học sinh? Bởi nếu thu tiền dạy ôn thi cuối cấp cũng có nghĩa là đang dạy thêm trong nhà trường, và như vậy lại trái với Thông tư 29. Còn không thu tiền thì giáo viên phải dạy miễn phí ít nhất hơn một tháng cho ôn thi cuối cấp?
Đúng là các trường luôn có kế hoạch giảng dạy. Nhưng theo quy định mỗi tuần, giáo viên THPT phải dạy 17 tiết, giáo viên THCS là 19 tiết. Một năm học có 37 tuần, tức là mỗi giáo viên đã dạy đủ số tiết theo quy định và kế hoạch giáo dục của môn học. Như vậy, sau khi kết thúc 37 tuần học chính khóa, giáo viên hết nhiệm vụ theo kế hoạch. Nhưng lúc này học sinh lớp 9, lớp 12 lại bước vào kỳ thi cuối cấp. Khi này, nếu giáo viên dạy ôn thi cuối cấp phải được coi là làm ngoài giờ hoặc tăng ca, chứ khó có thể yêu cầu họ dạy miễn phí trong suốt cả tháng trời với tiền xăng xe, đi lại, in tài liệu, công giảng dạy... vẫn phải bỏ ra.
Giáo viên có thể dạy học sinh chưa đạt yêu cầu hoặc học sinh giỏi miễn phí tại trường. Nhưng giáo dục là ngành đặc thù. Trong một lớp sẽ có em học giỏi, có em học kém, có em tiếp thu nhanh, có em tiếp thu chậm. Bởi mỗi con người có tố chất riêng, hoàn cảnh gia đình khác nhau, chỉ số IQ khác nhau. Chuyện một lớp có học sinh yếu trong khi vẫn tiết học đó, thời lượng đó mà em khác lại học giỏi cũng là chuyện rất bình thường. Vậy những em học sinh yếu này muốn học để bổ sung kiến thức thì đó có phải hoàn toàn là trách nhiệm của giáo viên, phải dạy miễn phí không?
Còn chuyện dạy học sinh đi thi Học sinh giỏi hiện nay phần lớn giáo viên dạy vì được phân công nhưng cũng là đam mê với nghề. Dạy ra được học sinh đi thi Học sinh giỏi và đạt giải luôn là mong ước của mọi nhà giáo, cho nên nếu được trả tiền phụ cấp cũng tốt, mà không có chắc cũng ít giáo viên phàn nàn.
Hàng ngày, mỗi chúng ta khi ra chợ dù 1.000 đồng hành cũng phải trả bằng tiền chứ chẳng ai cho không. Đến cả công nhân tăng ca cũng được tính thêm tiền, trực Tết ngoài giờ cũng được lương OT... Nói cách khác, trong xã hội, bất kỳ việc gì cũng phải mất tiền, dù ít hay nhiều. Giáo viên khi đi ra chợ, đi mua hàng cũng không thể bảo "tôi dạy thêm miễn phí cho nhiều học sinh, nên hãy miễn phí cho tôi" được, đúng không? Vậy thì tại sao lại đòi hỏi giáo viên dạy ngoài giờ miễn phí?
Ai cũng có nhu cầu cho bản thân, gia đình. Chúng ta không thể bảo giáo viên phải dạy thêm miễn phí để có cái tâm tốt được. Nghề cao quý thì vẫn phải ăn cơm, phải đổ xăng, phải nuôi con cái ăn học chứ đâu có thể trả bằng cái tâm và cái danh cao quý. Có nhiều thầy cô dạy thêm miễn phí, nhưng đó là họ tự nguyện, họ muốn làm vậy chứ không thể đòi hỏi tất cả giáo viên phải như vậy.
Tôi cho rằng, việc siết dạy thêm, học thêm là điều tốt nhưng cấm đến mức độ nào thì cần phải cân nhắc thấu đáo. Tôi không phản đối cấm nhưng cũng không ủng hộ quan điểm cho rằng cứ dạy thêm, học thêm là xấu. Bởi dạy học khác với những công việc khác, là đào tạo ra những con người có tri thức, góp phần phát triển xã hội.
Thế nên, chúng ta cần có biện pháp hạn chế việc lợi dụng dạy thêm vì mục đích xấu, nhưng cũng nên tạo điều kiện cho những người có nhu cầu học thêm một cách thuận tiện nhất, tức là quản lý dạy thêm tốt hơn cấm tuyệt đối. Tránh tình trạng sau quy định mới, các trung tâm dạy thêm bên ngoài lại mọc lên tràn lan, khó kiểm soát hơn về chất lượng.
Theo quy định mới của Thông tư 29 có hiệu lực từ 14/2, trường học chỉ được dạy thêm miễn phí với ba nhóm, gồm: học sinh chưa đạt; bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp tự nguyện ôn thi. Tổ chức, cá nhân muốn dạy thêm ngoài trường có thu tiền phải đăng ký kinh doanh. Giáo viên không được thu tiền dạy thêm với học sinh chính khóa của mình. Tuy nhiên từ tuần trước, nhiều trường học, giáo viên đồng loạt dừng dạy thêm, khiến phụ huynh lo lắng về thành tích học tập và thi cử của con.
- 'Dừng dạy thêm sẽ chỉ có lợi cho học sinh'
- 'Dừng dạy thêm chỉ là chữa phần ngọn'
- Tôi lo học sinh của mình đi học thêm ngoài khi giáo viên bị siết dạy thêm
- Tôi 'ngồi trên đống lửa' vì con không được học thêm giáo viên trên lớp
- Con tôi điểm thấp hơn bạn bè vì không học thêm giáo viên trên lớp
- Cô giáo lớp 1 thúc ép tôi cho con đi học thêm