Tôi có một đứa con mới học hết lớp năm đã tự học để có thể viết code lập trình hằng trăm chương trình và trò chơi. Muốn con được phát triển tốt, tôi đã lên nói với thầy hiệu trưởng trường cấp II để tìm cách giúp đỡ. Thế nhưng tất cả những gì tôi nhận được chỉ là lời giới thiệu đến một giáo viên tin học. Tôi cũng mời giáo viên này đến nhà, nhưng khi thấy hàng trăm chương trình cháu viết trên máy tính, giáo viên này đã không bao giờ quay trở lại. Và thế là mọi việc đi vào quên lãng.
Bẵng đi đến cuối năm lớp 12, cháu ngỏ ý muốn đi du học, gia đình tôi đã lo gấp để có thể kịp cho con nhập học ở Mỹ. Gia đình cũng không giàu có gì, cháu tuy có học bổng nhưng chúng tôi cũng phải rất vất vả để lo tiền chu cấp cho con. Ở Mỹ, con tôi cũng rất vất vả để làm thêm, kiếm chút tiền sinh hoạt, có lúc phải đi xin ở Food Bank (ngân hàng đồ ăn miễn phí cho người nghèo), đó là một chuỗi thời gian đầy thử thách.
Rất may, nhờ học lực giỏi nên khi chưa ra trường, con tôi đã được các công ty tại Mỹ như Microsoft, Apple, Google, Amazon... đã vào tuyển dụng. Cuối cùng, con chọn làm cho Google. Đến nay, con tôi đã là một chuyên gia cao cấp, chuyên về AI của Amazon.
Nói như trên để thấy rằng, khi ở quê nhà không có môi trường phát triển sẽ rất thiệt thòi cho bản thân các học sinh tài năng và sau này là cho đất nước Việt Nam. Tiếc rằng, đến nay, chúng ta vẫn chưa có những chính sách cụ thể để nâng đỡ cho những trường hợp này.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.