"Bố mẹ tôi là giáo viên, còn tôi là con gái. Bố tôi là người có quan niệm 'trọng nam khinh nữ'. Khi tôi làm hồ sơ thi đại học, bản thân muốn thi vào Bách Khoa, nhưng bố mẹ lại muốn tôi học Sư Phạm, ra làm giáo viên, vì mối quan hệ có thể xin việc cho tôi trong tương lai. Và hơn hết, bố không tin tôi có thể đậu và tốt nghiệp nổi Bách Khoa.
Lúc đó, tôi đã cãi nhau rất gay gắt với bố mẹ. Thậm chí, tôi còn có thái độ rất cương quyết rằng 'nếu bố mẹ không chu cấp tiền học cho học trường mình mơ ước thì tôi sẽ tự đi kiếm tiền để học'. Vì thái độ cương quyết ấy mà bố mẹ cuối cùng đã phải đồng ý cho tôi học Bách Khoa.
Giờ đây, tôi đã tốt nghiệp và ra trường đi làm được một thời gian. Bố mẹ cũng đã xin lỗi và công nhận thành công của tôi hôm nay. Thế nên, tôi mong rằng các bạn trẻ cũng hãy mạnh mẽ để chứng minh cho bố mẹ mình thấy quyết định của bạn là hoàn toàn chính xác. Và hãy sống thật nỗ lực, vui vẻ với quyết định đó".
Đó là chia sẻ của độc giả Hahoangdna sau bài viết "Bố mẹ âm thầm sửa nguyện vọng đại học để ép tôi theo". Mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái khi lựa chọn ngành học vốn không phải chuyện hiếm gặp. Xuất phát từ những khác biệt trong suy nghĩ của mỗi thế hệ, cộng thêm sự thiếu đồng cảm, thấu hiểu khiến nhiều bạn trẻ rơi vào tình cảnh bị ép học ngành mà mình không đam mê, mất động lực phấn đấu, và lún sâu vào thất bại.
>> Bị cha mẹ ép học ngành 'có ông chú làm to'
Cho rằng việc cha mẹ áp đặt con cái khi lựa chọn ngành học và nghề nghiệp sau này sẽ dẫn đến những kết cục không tốt đẹp, bạn đọc Baoquang bình luận: "Cha mẹ thương con thì hãy tôn trọng quyết định của con, để con sống cuộc đời của chúng. Đừng mang điều mình thích áp vào con mà hãy lắng nghe xem con thích cái gì? Đây là vấn đề của xã hội kim tiền. Nhu cầu cơ bản của con người là được làm điều mình thích, nên đừng đi ngược lại.
Tôi có một đứa con gái và luôn nói với con rằng 'hãy làm những gì con yêu thích, điểm số ở trường không quan trọng bằng trải nghiệm của con'. Tâm lý cha mẹ ai cũng muốn con mình học ngành nào kiếm được nhiều tiền, ổn định để lo cho bản thân và gia đình. Nhưng một lần nữa phải quay lại câu hỏi ban đầu là: con muốn cái gì, con thích cái gì? Câu hỏi đó dành cho bản thân mỗi người, và chính họ nên là người tìm đáp án. Không ai có thể trả lời thay và quyết định thay được".
Trong khi đó, phản biện lại quan điểm trên, độc giả Zztifazz lại có cái nhìn khác: "Làm điều mình thích thì cũng phải có khuôn khổ. Có những cái chính đáng nhưng cũng có những cái không ổn hoặc tỷ lệ thất bại quá cao, thậm chí là phạm pháp. Ví dụ, đang yên lành mà con bảo muốn nghỉ học đi làm YouTuber trong khi kênh chưa có nổi một đăng ký nào. Lúc đó, con có thể nói 'sẽ tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình', nghe rất oai, nhưng đến lúc thất bại toàn tập thì không nhẽ bố mẹ lại bỏ con?
Tương tự với mấy bạn có mấy ý tưởng trên giấy tờ thì có vẻ hay, đòi đi vay mấy tỷ đồng để đầu tư làm giàu, để 'làm điều mình thích', nhưng đến lúc thất bại thì liệu các bạn có gánh nổi không?
Nếu chỉ hỏi những người thành công mà bỏ qua những người thất bại bất chấp tỷ lệ thì chắc mọi người nên bỏ học hết để làm theo Bill Gates rồi. Cái nào cũng có xác suất, chỉ là tỷ lệ thành công của nó là bao nhiêu và con cái có đủ sức để thử không? Nếu tỷ lệ thành công là 10% và nhà bạn thừa tài chính cho bạn thử 100 lần thì cứ việc. Còn nếu bạn chỉ đủ sức cho con một cơ hội duy nhất, nếu trượt thì đói khổ, nợ nần, thì tôi tin cha mẹ sẽ phải nghĩ khác.
Trước kia tôi cũng vậy, cố đi theo con đường mình rất thích, nhưng thất bại, làm mất của gia đình hơn một tỷ đồng. Về sau, tôi biết cách rút kinh nghiệm và đi theo hướng trung hòa hơn thay vì chỉ vì làm điều mình thích. May mắn, giờ tôi cũng tương đối khá giả.
Nhưng tôi biết nhiều gia đình không có điều kiện cho con thất bại như thế. Tôi vẫn có những đứa bạn đến giờ vẫn khởi nghiệp, lỗ của gia đình ít nhất cũng 20 tỷ đồng rồi mà đến giờ vẫn lông bông. Chốt lại, cha mẹ muốn cho con làm điều chúng thích thì cũng phải chấp nhận cái giá của nó, phải tùy hoàn cảnh mà quyết định, chứ không phải cứ chiều ý con là tốt".
- 5 lần thi lại đại học để được học ngành mơ ước
- Không bằng cấp nhưng lương 'đè bẹp' mấy người bạn tốt nghiệp đại học
- Hai bằng đại học nhưng tôi 'chẳng được tích sự gì'
- Có nhà, có xe sau 8 năm tốt nghiệp đại học
- Khi cử nhân đại học kéo nhau xuống đường làm shipper, xe ôm công nghệ
- Học trường nghề vẫn làm sếp của Thạc sĩ, kỹ sư