Chương trình giáo dục của nước ngoài so với ở ta rất nhẹ. Từ lớp 1 đến lớp 9, hoạt động văn thể mỹ chiếm phần lớn thời lượng của học sinh ở trường. Các môn Toán, Lý, Hóa chỉ dạy học sinh các khái niệm, định nghĩa, định luật, bài tập chỉ xoay quanh các công thức cơ bản, không lắt léo hay mang tính đánh đố. Văn, Sử Địa là những môn học chính để đào tạo tư tưởng, nhân cách, ứng xử xã giao.
Từ lớp 10 đến 12, chương trình phổ thông của họ chia làm hai: trường bình thường và trường học sinh giỏi (gần giống trường chuyên ở ta). Học sinh trường bình thường thi vào đại học rồi ra hành nghề (chủ yếu làm thuê hoặc làm tự do, không mở công ty). Học sinh giỏi sẽ thi vào những khoa nghiên cứu ứng dụng, ra làm nhà khoa học hoặc làm chủ doanh nghiệp. Ở cấp ba, người ta vẫn cho học sinh học Toán, Lý, Hóa với các dạng phức tạp nhưng cũng chỉ để học cho biết. Các môn văn hóa chính vẫn là Văn, Sử, Địa.
Môn Văn cấp ba của họ dùng để viết luận sau này ra đi làm, làm báo cáo công tác cũng có hình thức gần như tiểu luận, rồi gửi cho cấp trên bằng email, rất hiếm khi gặp mặt trực tiếp. Môn Sử, họ dạy tư tưởng ý thức cho học sinh thông qua các bài học lịch sử, có phân tích điều kiện hoàn cảnh của sự kiện với những câu hỏi đại loại như "nếu em là nhân vật lịch sử ấy, trong hoàn cảnh điều kiện ấy, em có lựa chọn khác với người đó không? Lựa chọn như thế nào? Vì sao phải lựa chọn như thế?". Môn Địa lý, họ dạy học sinh phải biết làm gì khi đi du lịch tự túc. Bởi vậy mới có nhiều "Tây ba lô" đi du lịch xuyên biên giới mà không cần phải chuẩn bị kiến thức gì nhiều. Họ thường là những người có độ tuổi rất trẻ, đến bất cứ nơi nào, dù nơi đó có môi trường văn hóa, con người, ngôn ngữ xa lạ, họ vẫn rất tự tin.
Tóm lại, Văn, Sử, Địa nên là những môn dạy làm người. Mọi kiến thức văn hóa xã hội, đạo đức nhân văn, ứng xử xã giao, ý thức tuân thủ luật pháp... đều được lồng ghép trong ba môn này.
Tin học ở trường phổ thông của họ không dạy lập trình hay giải thuật mà dạy làm sao sử dụng các phương tiện điện toán như máy tính bỏ túi, điện thoại thông minh... vào những việc cụ thể trong cuộc sống hàng ngày. Còn lập trình hay giải thuật là chuyện của sinh viên công nghệ thông tin. Phổ thông của người ta là giáo dục công dân, biết sử dụng các máy móc thiết bị phổ biến như thế nào, chứ không phải là đào tạo sinh viên dự bị.
Đại học của họ cũng dạy Toán nhưng là Toán ứng dụng. Ví dụ, dựa vào xác suất thống kê, người ta có hàng loạt số liệu tăng giảm có quy luật theo thời gian với sai số không lớn, từ đó họ xây dựng phương trình hoặc hàm số logarit để làm công tác dự báo. Họ đem logarit ở phổ thông ra xây dựng thành phương trình, giải thích từng li từng tí cho học sinh phải làm như thế nào, vì sao phải làm thế? Còn chúng ta lại bê nguyên phương trình logarit ấy ra dạy cho sinh viên, mất hẳn khâu giải thích cặn kẽ, vậy làm sao mang Toán cơ bản xây dựng thành Toán ứng dụng?
Sinh viên đại học ở ta được dạy như thế thì làm sao có thể sáng tạo được vì từ đầu đến cuối chỉ là học thuộc và bắt chước mà không hiểu rõ bản chất. Giáo dục đào tạo ở ta vẫn còn mang tính hình thức, thiếu phản biện khách quan, thiếu tranh luận học thuật, học hỏi bên ngoài.
Giáo dục của ta bị coi còn chậm phát triển không phải vì Giáo sư, Tiến sĩ ở ta không có kiến thức, mà là phương hướng, mục tiêu không rõ ràng, nặng về thi cử để đào tạo "gà chọi". Vài tấm huy chương vàng Olympic liệu có quan trọng hơn hàng chục triệu công dân tốt, có ý thức xã hội cao, có ý thức tuân thủ pháp luật? Thứ hạng thi đấu Olympic có quan trọng hơn hàng trăm nghìn nhà khoa học là nhân lực cho "công nghệ cao"?
Có vẻ như tầm nhìn của giáo dục Việt vẫn còn rất ngắn hạn và gò bó.
>> Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.