Bao quy đầu có cấu tạo mặt ngoài là da, mặt trong là niêm mạc, bao quanh và che chở cho quy đầu (phần đầu dương vật). Vai trò của bao quy đầu là che chở quy đầu, giữ cho nó mềm mại, ấm, ẩm và nhạy cảm.
Hẹp bao quy đầu (phimosis) là tình trạng bao quy đầu không có khả năng tuột lên hoàn toàn khỏi quy đầu. Bệnh được chia thành hai dạng là hẹp bao quy đầu sinh lý và hẹp bao quy đầu bệnh lý. Hẹp bao quy đầu sinh lý là tình trạng bao quy đầu không tuột trong suốt quá trình phát triển sinh lý bình thường. Hẹp bao quy đầu bệnh lý là trường hợp xảy ra do những bệnh lý như bệnh sừng hóa gây xơ teo bao quy đầu, viêm quy đầu bạch sản xơ hóa, sẹo do dùng sức tuột bao quy đầu lên...
Theo BS Đoàn Ngọc Thiện, khoa Nam học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cắt bao quy đầu là hình thức can thiệp ngoại khoa lên vùng da bọc xung quanh dương vật. Tuy nhiên, hiện nay nhiều chuyên gia cho rằng bao quy đầu có chức năng sinh lý của nó, nên có nhiều khuyến cáo không nên thực hiện cắt bao quy đầu như trước.
"Hẹp bao quy đầu ở trẻ em là hiện tượng sinh lý bình thường, cần tránh các can thiệp không cần thiết. Vì vậy, ở người lớn và trẻ em, hẹp bao quy đầu nếu không gây ra vấn đề nghiêm trọng có thể không cần phẫu thuật", BS Thiện lưu ý.
Phần lớn trường hợp hẹp bao quy đầu có thể tự khỏi khi lớn lên, không cần can thiệp trước 6 tuổi. Trường hợp này thường là hẹp bao quy đầu sinh lý, không nguy hiểm. Tình trạng này sẽ tự ổn định khi trẻ trưởng thành. Phụ huynh chỉ cần lưu ý vệ sinh, tắm rửa hàng ngày cho trẻ. Hẹp bao quy đầu có thể được khắc phục bằng các biện pháp không phẫu thuật như dùng kem thoa steroid (0,1% betamethasone) trong 4-6 tuần và nong bao quy đầu bằng tay. Ở tuổi lớn hơn, nếu bao quy đầu vẫn hẹp, nam giới cần có biện pháp xử lý.
Một số trường hợp bị hẹp nghẹt bao quy đầu. Bao quy đầu tuột lên trên quy đầu một cách khó khăn, bị nghẹt, không thể đưa về vị trí bình thường. Lúc đó, bao quy đầu tạo thành một vòng thắt chặt lấy quy đầu, gây sưng nề và đau nhức. Trường hợp này cần xử lý ngay vì rất dễ bị hoại tử hoặc dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng khác.
Cắt da quy đầu chỉ nên thực hiện với các trường hợp bị hẹp nghẹt da quy đầu, viêm quy đầu, viêm da quy đầu tái phát nhiều lần. Phương pháp điều trị này có thể giúp ngăn ngừa ung thư dương vật, nhiễm trùng tiết niệu và giảm nguy cơ mắc các bệnh lây lan qua đường tình dục. Quá trình cắt bao quy đầu cho trẻ cần đảm bảo điều kiện vệ sinh chặt chẽ, vô trùng. Chăm sóc hậu phẫu cũng cần kỹ lưỡng.
Dương vật của trẻ sẽ lành trong khoảng 7-10 ngày sau tiểu phẫu này. Phụ huynh cần chú ý giữ vệ sinh khu vực tổn thương. Chỉ khi vết thương lành hẳn mới được vệ sinh nhẹ nhàng bằng nước sạch.
Đầu dương vật của trẻ ban đầu có thể hơi sưng đỏ, bị rỉ ít máu vào tã hoặc quần. Một số trường hợp có thể tiết dịch vàng và đóng vảy trên đầu dương vật. Phụ huynh không cần quá lo lắng vì tình trạng này là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu trẻ không đi tiểu trong khoảng 12 giờ sau phẫu thuật, chảy máu dai dẳng, đầu dương vật tiết dịch có mùi hôi, có dấu hiệu nhiễm trùng như sốt cao, sưng tấy, chảy mủ..., nên đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt.
"Với các trường hợp chỉ định phẫu thuật, phụ huynh có thể yên tâm phương pháp điều trị này không chỉ xử trí triệu chứng khó chịu của bé mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho con trong tương lai. Phụ huynh cần lựa chọn các cơ sở y tế hoặc bệnh viện uy tín, với đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao để đảm bảo an toàn cho trẻ, giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng nguy hiểm sau phẫu thuật", BS Thiện cho hay.
Anh Đài