Đó là câu chuyện sau một tháng thử việc của tôi. Tôi bắt đầu công việc đó từ một con số không tròn trĩnh. Cũng bởi kiến thức chuyên môn sơ sài, những kỹ năng mà tôi học lỏm trước đây cũng không giúp tôi hoàn thành tốt công việc hơn được.
Và dĩ nhiên hậu quả là sau một tháng thử việc tôi chẳng mang lại được lợi ích gì cho công ty. Nhưng bất ngờ, danh sách đen không có tên tôi. Công ty còn cơ hội cho một tháng thử việc tiếp theo.
Vậy lý do trong đó là gì, khi những người bị loại đa phần họ đều khá hơn tôi về vài mặt nào đó? Chính là thái độ.
"Em thiếu kỹ năng rất nhiều, nhưng anh thấy thái độ làm việc của em hơn hẳn những bạn khác. Công ty không thể đào tạo thái độ một con người. Chỉ có thể đào tạo kỹ năng cho những ai thực sự xứng đáng". Đó là lời nhận xét của sếp dành cho nhân viên nửa mùa như tôi. Điều đó khiến tôi lại nhớ đến trong một tiết học nào đó, thầy tôi cũng đã hỏi chúng tôi "đi làm chúng ta cần gì?".
Đa phần chúng tôi đều trả lời "kiến thức" và "kỹ năng" . Nhưng câu trả lời của thầy tôi là "Không có thái độ thì các em hoàn hảo bao nhiêu cũng chẳng đi xa được".
>> Làm công ty Nhật 6 tháng, tôi 'bỏ của chạy lấy người'
Chúng ta phải thừa nhận rằng, kiến thức và kỹ năng là hai thứ có thể học, có thể rèn. Nhưng thái độ thì không hẳn thế. Nếu chính bản thân mỗi người không có thiện chí cải thiện, thì bao nhiêu dao kéo sắc bén cộng thêm thợ tay nghề cao, cũng chẳng thể dũa ra hình hài đẹp đẽ được.
Chắc hẳn chúng ta cũng từng được nghe qua câu "Thái độ hơn trình độ". Câu này không phải phủ định lại sự vô dụng của bằng cấp, học vấn hay bất cứ chữ nghĩa nào chúng ta đã có được trong mười mấy năm ròng học tập. Nó chỉ làm sáng hơn vấn đề. Trình độ là bề nổi, là cái được chúng ta tiếp nhận một cách bị động. Còn thái độ là sự chủ động của bản thân mỗi người. Đâu ai điều khiển bản chất bên trong con người mình ngoài chính bản thân mình?
Trong môi trường làm việc, thái độ tốt là sự hòa nhã, tích cực, thân thiện, chăm chỉ, ham học hỏi. Thái độ tốt là biết đánh giá, nhìn nhận lại chính mình, biết nhận sai, sửa sai, cải thiện lại bản thân. Quan trọng là bản thân cần có sự nỗ lực hết mức và có trách nhiệm với công việc trong tay.
Bạn yếu kém? Không sao. Bạn có tinh thần học hỏi và cố gắng là được. Nhưng hãy nhớ sẽ không ai đứng đợi bạn thay đổi, phát triển từng ngày. Vì một nhân viên có thái độ tốt và kỹ năng tốt không chỉ có riêng bạn. Do đó, bạn cần phải chiến thắng với bản thân mình, phải tạo sự bứt phá riêng cho bản thân một cách nhanh nhất có thể. Công việc không thể tạm dừng chỉ vì đợi bạn tốt hơn bạn của hiện tại được.
Trong xã hội, thái độ quyết định ánh nhìn của người khác dành cho bạn. Còn trong công việc, thái độ quyết định sự thăng tiến của bạn.
>> Khi ăn nhậu được xem là 'kỹ năng mềm'
Bạn có kỹ năng tốt? Bạn có chuyên môn cao? Nó sẽ không là gì nếu bạn đang tự mãn với nó. Bạn hãy nhớ xã hội này không thiếu người tài, người có đức. Nên nếu bạn đang tự đắm chìm với những ảo mộng đẹp đẽp mà ngồi rung đùi đắc thắng, buông bỏ sự cầu tiến, không coi trọng công việc trong tay, giữ mãi ý niệm "Không ai thay được vị trí của bạn", thì chúc mừng bạn vẫn ở vị trí đó và sẽ không ai thay thế được. Vì những người khác họ đã ở cao hơn bạn một bậc hoặc nhiều hơn thế nữa.
Nên hoàn thiện chính mình ở mọi mặt, đừng bên trọng, bên khinh. Kiến thức, kỹ năng và thái độ nên cân bằng cho đúng mực. Bạn sẽ thất bại nếu không nhận ra khiếm khuyết của bản thân. Và sẽ càng thất bại nếu biết sai nhưng không sửa.
Thái độ là thứ duy nhất bạn có thể tự mình thay đổi và cải thiện.
Bình An
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.