Tình trạng mót tiểu đột ngột mà không thể đi tiểu được gọi là bí tiểu cấp tính. Nếu tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài được gọi là bí tiểu mạn tính. Bí tiểu phổ biến ở người lớn tuổi với cả hai giới nhưng nam giới trên 80 tuổi có nguy cơ mắc cao hơn.
Triệu chứng
Các triệu chứng bí tiểu cấp tính và mạn tính có thể khác nhau. Người bí tiểu cấp tính có cảm giác muốn đi tiểu ngay lập tức nhưng không thể đi được. Cùng với đó, người bệnh sẽ cảm thấy bị đau hoặc khó chịu ở vùng bụng dưới. Đó là do bàng quang bị ứ nước và phình ra, gây áp lực lên các dây thần kinh và mô xung quanh. Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài có thể gây nguy hiểm tới tính mạng.
Bí tiểu mạn tính xảy ra khi người bệnh có thể đi tiểu nhưng toàn bộ nước tiểu không thoát ra khỏi bàng quang. Theo thời gian, nước tiểu còn sót lại trong bàng quang có thể gây ra nhiễm trùng. Do đó, bí tiểu mạn tính thường không có dấu hiệu rõ rệt, thường đến giai đoạn muộn người bệnh mới nhận thấy những bất thường như: đi tiểu hơn 8 lần một ngày và thường xuyên tiểu gấp, dòng nước tiểu thải ra yếu, đi tiểu xong vẫn có nhu cầu đi lại ngay sau đó, cảm thấy khó chịu ở vùng hông như vẫn còn dịch trong bàng quang...
Nguyên nhân
Bí tiểu xảy ra do một số bất thường ở cấu trúc đường tiết niệu như:
Tắc nghẽn: Tắc nghẽn xảy ra khi có vật cản đường nước tiểu thoát ra từ bàng quang. Nếu tắc nghẽn đột ngột sẽ gây ra bí tiểu cấp tính còn tắc nghẽn diễn ra chậm theo thời gian và vẫn có một lượng nước tiểu nhất định thoát ra ngoài dẫn đến bí tiểu mạn tính.
Thuốc: Một số loại thuốc có thể dẫn đến bí tiểu do yếu cơ như thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc giãn cơ, thuốc trị tiểu không kiểm soát, thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị bệnh Parkinson
Các vấn đề về thần kinh: Tổn thương ở các dây thần kinh gần đường tiết niệu có thể dẫn đến các vấn đề về tiểu tiện trong đó có chứng bí tiểu. Tổn thương này có thể do biến chứng tiểu đường, chấn thương não hoặc cột sống, bệnh Parkinson...
Vấn đề về phẫu thuật: Khó đi tiểu ngay có thể xảy ra sau khi phẫu thuật chẳng hạn như phẫu thuật thay thế cột sống hoặc khớp. Nghiên cứu cho thấy rằng nhiều người bị bí tiểu ngay sau khi phẫu thuật thay khớp. Gần 60% bệnh nhân bị bí tiểu ngay sau khi phẫu thuật cột sống.
Vấn đề về tuyến tiền liệt: Hơn 50% nguyên nhân gây bí tiểu ở nam giới có liên quan đến tuyến tiền liệt. Do tuyến tiền liệt rất gần với đường tiết niệu dưới. Bí tiểu có thể do ung thư, chẳng hạn như khối u hoặc tích tụ mô từ các tình trạng như tăng sản lành tính tuyến tiền liệt (BPH). Những khối u này có thể gây co thắt hoặc tắc nghẽn niệu đạo và khó đi tiểu.
Nhiễm trùng và viêm: Nhiễm trùng hoặc sưng tấy ở đường tiết niệu dưới có thể dẫn đến bí tiểu. Các tình trạng này có thể bao gồm: viêm niệu đạo, viêm bàng quang, viêm, viêm tuyến tiền liệt, viêm bao quy đầu...
Điều trị
Bí tiểu cần được điều trị kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng. Các biện pháp điều trị phổ biến bao gồm:
Thông tiểu: Bác sĩ sẽ đưa một ống thông tiểu để đưa nước tiểu từ trong bàng quang thoát ra ngoài. Tuy nhiên, phương pháp này có nguy cơ gây ra biến chứng như nhiễm trùng nếu sử dụng thường xuyên do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua ống thông. Do đó, cần phải thay ống thông nhiều lần mỗi ngày để tránh biến chứng.
Nong niệu đạo và đặt stent niệu quản: Niệu đạo có thể được nới rộng một cách an toàn bằng cách đưa các ống nhỏ vào bên trong. Bên cạnh đó bác sĩ có thể đưa một ống nhỏ gọi là stent vào bên trong niệu quản nhằm giúp nước tiểu chảy qua. Stent có thể được để lâu dài trong niệu đạo để ngừa tình trạng bí tiểu.
Nội soi bàng quang: Biện pháp này nhằm làm thông đường tiểu trong trường hợp bí tiểu do tắc nghẽn hoặc có vật cản. Một ống nhỏ, mềm, có đèn và camera ở đầu sẽ được đưa vào để xem bên trong bàng quang và niệu đạo có vật cản nào không và loại bỏ chúng để người bệnh có thể đi tiểu thoải mái hơn.
Dùng thuốc: Các loại thuốc có thể giúp điều trị bí tiểu bao gồm: thuốc kháng sinh do nhiễm trùng ở tuyến tiền liệt, bàng quang hoặc đường tiết niệu, thuốc làm giãn cơ vòng để giúp nước tiểu thoát ra ngoài thuận lợi hơn, thuốc để giảm kích thước của tuyến tiền liệt nếu bị BPH...
Ngoài các biện pháp trên, một số thay đổi trong lối sống hàng ngày cũng giúp người bệnh giảm triệu chứng của tiểu bí như: uống nhiều nước để kiểm soát việc đi tiểu, thực hiện các bài tập cơ sàn chậu, cơ bàng quang để tăng cường hoạt động của cơ quan tiết niệu và loại bỏ chứng bí tiểu tốt hơn.
Bảo Bảo (Theo Healthline)