Vợ chồng anh Phong (40 tuổi, TP HCM) có một con trai và một con gái đang học tiểu học, thống nhất không sinh thêm. 6 năm qua, họ sử dụng nhiều biện pháp tránh thai như uống thuốc ngừa, dùng bao cao su, xuất tinh ngoài, canh ngày rụng trứng...
Cấy que tránh thai, vợ anh Phong bị rong kinh, tăng cân khó kiểm soát, nổi mụn trứng cá, giảm ham muốn... Gần một năm sau, chị thay bằng vòng tránh thai. Tuy nhiên, vòng "đi lạc", chị mang thai ngoài ý muốn. Thai kỳ bị đình chỉ vì phôi nằm ngoài tử cung.
Anh Phong quyết định triệt sản để vợ không phải lên bàn mổ lần nào nữa. Đầu tháng 8, anh cùng vợ đến khoa Nam học, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, thắt ống dẫn tinh. Trên giường phẫu thuật, trước lúc gây mê, bác sĩ Đoàn Ngọc Thiện hỏi lần cuối về quyết định này, anh kiên quyết gật đầu.
Cùng ngày, anh Lê Hiếu (31 tuổi, ngụ Bình Dương) thực hiện thủ thuật tương tự. Con gái duy nhất của anh mới 6 tháng tuổi. Áp lực kinh tế, công việc và gia đình khiến vợ chồng không muốn thêm con. Phòng tình huống xấu xảy ra trong tương lai, anh trữ đông tinh trùng trước khi triệt sản theo lời khuyên của bác sĩ.
Đây là hai trong số 5 ca triệt sản nam diễn ra trong tuần đầu tháng 8 tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Những năm trước, trung bình mỗi tháng có 2-4 ca thắt ống dẫn tinh. Đầu năm 2023 đến nay, số ca tăng gấp đôi.
Bác sĩ Thiện cho biết triệt sản nam là thắt hai ống dẫn tinh ngăn tinh trùng đi qua để tới dương vật. Khi người đàn ông xuất tinh, tinh dịch sẽ không có tinh trùng, người vợ không thể thụ thai. Hầu hết nam giới quyết định triệt sản vì đã đủ con, người vợ gặp vấn đề với các hình thức tránh thai khác. Người chồng muốn san sẻ trách nhiệm tránh thai cùng vợ. Thắt ống dẫn tinh có hiệu quả ngừa thai gần 100%.
Hiện chưa có thống kê số lượng nam giới đã triệt sản ở Việt Nam. Trên thế giới, thủ thuật này được áp dụng ở nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Anh... Theo tờ New York Times, tại Mỹ, nơi có đạo luật cấm phá thai, ước tính mỗi năm khoảng 500.000 nam giới thắt ống dẫn tinh. Khảo sát Quốc gia Mỹ về Phát triển Gia đình năm 2012-2017 cho thấy khoảng 5-6% nam giới 18-45 tuổi thực hiện thủ thuật này.
Theo bác sĩ Thiện, thời gian thực hiện thủ thuật khoảng 30 phút, rất ít chảy máu, tỷ lệ biến chứng dưới 1%. Người bệnh có thể xuất viện trong ngày. Hậu phẫu, một số trường hợp có thể bị sưng và bầm tím ở bìu vài ngày.
Kỹ thuật này chỉ chặn đường ra của tinh trùng mà không ngăn dịch từ túi tinh và tuyến tiền liệt. Lượng tinh dịch không thay đổi. Tinh trùng bị tắc ở chỗ thắt sẽ tự tiêu.
Thắt ống dẫn tinh không ảnh hưởng đến sức khỏe, cơ bắp hay ham muốn tình dục, cảm giác và khả năng cương cứng. Sau triệt sản, tinh hoàn vẫn sản xuất hormone tình dục testosterone như bình thường.
Nam giới cần tránh sinh hoạt tình dục ít nhất 7 ngày. Duy trì phương pháp tránh thai trong ít nhất 2-3 tháng đầu, do cơ thể cần thời gian để đào thải hết tinh trùng sót lại trong ống dẫn tinh. Sau ba tháng, cần xét nghiệm xem tinh trùng đã hết hay chưa. Nếu kết quả bằng không, nam giới có thể quan hệ không cần các biện pháp tránh thai khác.
Bác sĩ Thiện cho rằng đàn ông chủ động tránh thai thay vợ là điều nên khuyến khích. Phẫu thuật nhỏ, đơn giản, nhanh chóng, không cần phải nằm viện, hiệu quả tránh thai gần tuyệt đối. Sức khỏe nam giới tốt hơn nên hồi phục nhanh hơn nữ giới. Tác dụng phụ hầu như không có.
Triệt sản ở nữ phức tạp hơn bởi thường phải phẫu thuật nội soi ổ bụng, cần nhiều thời gian. Nguy cơ biến chứng trong và hậu phẫu cao hơn, như đau, xuất huyết, viêm nhiễm... Trung bình phụ nữ cần khoảng 5 ngày để hồi phục cơ thể.
Chuyên gia khuyến cáo nam giới có nhu cầu triệt sản nên đến các cơ sở y tế uy tín, tránh biến chứng. Người bệnh nên suy nghĩ kỹ trước khi triệt sản, có thể trữ đông tinh trùng trước, vì đây là phương pháp tránh thai vĩnh viễn. Nếu muốn sinh con tiếp, nam giới phải nối lại ống dẫn tinh. Khả năng thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, thời gian thắt ống dẫn tinh...
Độc giả có thắc mắc về vấn đề nam khoa, gửi câu hỏi tại đây.
Anh Thư