"Đàn ông cần phải chủ động trong việc tiền bạc. Dù có bảo là bình đẳng giới hay gì đó thì cũng chỉ là suy nghĩ đáng ghi nhận thôi, còn lại các chi phí chính theo tôi đàn ông vẫn nên bỏ ra. Lúc tôi quen bạn gái cũng vậy, tôi sẽ không để cho người yêu mình bỏ ra đồng nào cả, trừ một vài món nhỏ mà cô ấy đã chủ động trả từ trước, còn lại tất cả các chi phí tôi đều lo hết.
Cánh đàn ông chúng ta chỉ bỏ mỗi tiền, nhưng cũng cần hiểu rằng, để đi chơi với mình, các chị em cũng bỏ ra không ít thời gian cho việc trang điểm, váy vóc, son phấn... nên đừng bao giờ đòi hỏi họ cũng phải chia sẻ cả chuyện tiền bạc".
Đó là quan điểm của độc giả Yêu Toán Học sau bài viết "Bạn gái trách tôi nhỏ nhen khi hỏi tiền em sau chuyến du lịch". Câu chuyện của tác giả Minh Lợi thắc mắc về việc người bạn gái không chịu chia sẻ tiền bạc cho chuyến đi chơi, thậm chí trách bạn trai nhỏ nhen. Câu hỏi đặt ra là phải chăng con trai nên chịu mọi trách nhiệm về tình phí và khi cưới phải lo được cho vợ?
Trả lời cho câu hỏi này, bạn đọc Quangvudinh nêu quan điểm: "Người đàn ông vẫn phải là lao động chính để nếu người phụ nữ không kiếm ra tiền thì vẫn lo được cho gia đình. Vì phụ nữ khi lấy chồng, sinh con thì công việc sẽ bị trì trệ, có khi mất việc luôn. Nhiều công ty rất e ngại với việc chị em phụ nữ sinh đẻ nên họ sẽ gặp khá nhiều khó khăn trong công việc. Những vấn đề này tại Việt Nam chưa được giải quyết thấu đáo, nên tốt nhất người đàn ông vẫn phải là người lo kinh tế chính, để nếu người vợ không đóng góp gì được về tiền bạc thì vẫn có thể xoay sở được cho gia đình".
Cũng ủng hộ tư tưởng đàn ông là trụ cột kinh tế, độc giả Kimlientd bình luận: "Là con trai sức dài vai rộng, hãy xác định mình là trụ cột kinh tế của gia đình, phải nghĩ ra cách làm ra tiền để lo cho tổ ấm của mình, phải lường trước sự khó khăn khi có vợ và bao nhiêu chi phí khi ở riêng... Cho nên, con trai cần phải xây dựng sự nghiệp và tạo cho mình có điều kiện nhất định trước khi xây dựng gia đình.
Hiển nhiên, thời đại ngày nay con gái không ai tính chuyện lấy chồng để chồng nuôi. Phụ nữ còn đi học cao, có trình độ, có bằng cấp, có khả năng làm nhiều việc để có thu nhập lo cho cuộc sống. Nhưng điều ấy không có nghĩa là vợ cũng phải biết tự đi làm để nuôi bản thân, chia đều gánh nặng chi phí với chồng. Làm con trai mà có suy nghĩ vậy là bất tài, bất lực.
Trong gia đình, nếu người chồng không thể hiện được vai trò trụ cột thì vợ sẽ chỉ nhìn bằng nửa con mắt. Chưa nói tới giai đoạn mới yêu, các khoản chi phí không lớn mà còn không lo được, đòi hỏi bạn gái phải phụ vào thì không đáng mặt đàn ông".
>> 'Để đàn ông trả tiền thì đừng đòi bình đẳng'
"Ai nên trả tiền?" vẫn là một vùng xám trong một buổi hò hẹn. Nếu nam giới bắt buộc trả tiền trong cuộc hẹn nam - nữ, liệu có phải là bất bình đẳng giới?
Nói về vấn đề này, độc giả Nghin.ntt nhấn mạnh: "Nên chấm dứt suy nghĩ đàn ông phải trả toàn bộ tình phí. Tôi là phụ nữ nhưng cũng rất ghét mấy cô gái vòi vĩnh tiền của đàn ông, ngay cả khi đó là người yêu của họ. Lúc yêu nhau, tôi không bao giờ để bạn trai (giờ là chồng) trả hết tiền. Nếu anh ấy bao tôi ăn thì tôi sẽ trả tiền nước uống, nói chung là có qua có lại. Nếu người đàn ông phải chịu thiệt một chút là tôi cảm thấy rất áy náy.
Ngay cả bây giờ cũng vậy, chồng tôi đưa lương hàng tháng và anh cũng giữ lại một phần để chi tiêu, nhưng đi đâu, ăn chơi gì tôi cũng đều thanh toán, từ vé máy bay, khách sạn, ăn uống... Đến khi nào hết tiền thì tôi mới bảo chồng. Chồng tôi có lần còn trách vì không để anh thanh toán, làm như chồng không có tiền vậy. Thực ra, đó là thói quen của tôi khi đi với người yêu hay chồng, tôi rất sợ mang tiếng lợi dụng".
Cùng chung suy nghĩ về việc phân chia tình phí thay vì để đàn ông trả hết, bạn đọc Trần Hoàng Việt phân tích: "Tùy quan điểm của mỗi người mà hành động sao cho phù hợp. Như tôi quen vợ năm cô ấy 18 tuổi. Lúc đấy tôi vừa rớt đại học, đi làm lương tháng chỉ có 700.000 đồng mà thôi. Bạn gái tôi cũng chẳng khá hơn khi lương chỉ 600.000 đồng. Hai đứa tôi hẹn hò chủ yếu mua ly nước mía, rồi xách xe chạy vòng quanh Quận 1 rồi về thôi cho đỡ tốn kém. Lúc ấy, cả hai đều không quan trọng ai trả tiền, đơn giản là ai có thì trả thôi.
Tám năm sau, chúng tôi lấy nhau. Ba năm tiếp theo, cả hai có con gái đầu lòng. Sau một năm nữa, chúng tôi đón thêm một cậu con trai út. Công việc ngày một tốt lên, lương cũng tăng dần, hiện giờ, tổng thu nhập của hai vợ chồng đã cán mốc trăm triệu. Thế nhưng, dù dư dả, chúng tôi vẫn không lăn tăn chuyện ai phải bao ai cả. Có điều, không phải ai cũng may mắn lấy được một người vợ biết suy nghĩ cho chồng như vậy. Nhiều cô gái vẫn có suy nghĩ 'đào mỏ', bắt đàn ông phải lo chuyện trả tiền. Đó là điều không nên được cổ xúy".
Còn bạn nghĩ sao về chuyện "Ai trả tiền trong một buổi hẹn?". Hãy chia sẻ quan điểm của mình tại đây.
- Để vợ làm trụ cột kinh tế
- 'Đàn ông lương thấp dễ bị vợ coi thường'
- 'Tôi vất vả đi làm kiếm tiền, vợ chỉ muốn ở nhà chăm con'
- Đàn ông công ty tôi ngày càng ít ga lăng
- 'Đàn ông thời nay có quá nhiều áp lực'
- Tư tưởng 'chồng là trụ cột kinh tế, vợ phải lo hết việc nhà'