"Tôi là đàn ông, năm nay 34 tuổi, cảm vô cùng áp lực. Vợ tôi không chịu đi làm, đẩy trách nhiệm lo kinh tế cho một mình tôi lo. Đi làm xa được bao nhiêu tiền, tôi đều gửi hết về cho vợ. Thế nhưng, đến cuối năm chúng tôi vẫn không để dư được một đồng nào. Tôi càng gửi nhiều tiền về thì vợ càng tiêu nhiều cho bằng hết, chưa tới ngày lĩnh lương đã gọi điện cho tôi đòi tiền tiêu. Nói thật, nhiều khi tôi suy nghĩ muốn trốn bỏ hết tất cả mọi thứ trách nhiệm. Bình đẳng giới ở đâu khi vợ từ khi có bầu, sinh con, đến nay con đã được 6 tuổi những vẫn không chịu đi làm?".
Đó là chia sẻ của độc giả Kalasura về câu chuyện trách nhiệm trụ cột kinh tế của đàn ông Việt. Sự cô đơn của nam giới Việt ngày càng rõ rệt, nhất là khi xã hội vẫn tồn tại định kiến đàn ông phải là trụ cột gia đình, không được chia sẻ thế giới nội tâm phức tạp vì dễ bị coi mềm yếu, nhu nhược.
Đồng cảm với những áp lực mà đàn ông hiện đại đang phải gánh chịu, bạn đọc Mai Mai bình luận: "Là phụ nữ nhưng tôi thường nghe một số chị em kêu ca phàn nàn về chồng mình rằng đàn ông thì phải giỏi kiếm tiền, là trụ cột gia đình. Họ luôn có suy nghĩ là đàn ông thì không được phép kiếm ít tiền hơn phụ nữ, không được kêu ca, kể cả ốm đau, mất việc...
Nhưng họ không biết rằng chồng mình cũng là con người. Bên ngoài đôi khi người đàn ông phải gồng lên để cho vợ con vui vẻ, đỡ lo lắng, nhưng bên trong họ cũng bị stress, trầm cảm rất nhiều. Tôi nghĩ, nếu chị em muốn bình đẳng thì cũng nên suy từ mình ra trước khi đòi hỏi từ người chồng của mình".
>> 'Đàn ông lương thấp dễ bị vợ coi thường'
Độc giả Vq khanh nhận định: "Phụ nữ ngày nay đang đòi hỏi quá cao về người đàn ông. Họ vừa muốn chồng của mình phải đẹp, phải giỏi, vừa phải biết kiếm tiền, lại vừa biết chăm lo cho gia đình, biết chiều vợ... Rồi khi thấy số đông đàn ông Việt không đáp ứng được những yêu cầu đó nên nhiều phụ nữ tìm đến với đàn ông ngoại quốc".
"Nếu đàn ông mà hay tâm sự thì sẽ bị bảo rằng yếu đuối. Còn nếu họ chọn cách im lặng chịu đựng thì có khi lại bị chê trách rằng không chịu quan tâm đến vợ con, chỉ biết làm việc đến khuya, không dành thời gian cho gia đình. Những người đàn ông ở nhà nhiều thì bị gọi là thiếu cầu tiến, còn lăn lộn ngoài thương trường rồi thất bại sẽ bị chì chiết. Tóm lại, quá nhiều áp lực bủa vây khiến đàn ông ngày càng mệt mỏi", bạn đọc Diễn viên hài nói thêm.
Nhấn mạnh áp lực tài chính là nguyên nhân chính khiến ngày càng nhiều đàn ông bị trầm cảm, độc giả Dinhthienchienthan kết lại: "Nếu đàn ông nào cũng vững vàng công việc và ổn định kinh tế thì chắc chẳng anh nào bị trầm cảm.
Đàn ông bị trầm cảm 90% là do áp lực kinh tế cho gia đình,: tiền nhà cửa, tiền ăn tiền học của con cái, tiền phụng dưỡng cha mẹ hai bên... Nếu người vợ biết thấu hiểu thì sẽ không đòi hỏi chồng phải đưa tiền này, tiền kia về cho mình. Thay vào đó, vợ nên thường xuyên hỏi thăm, cùng dự tính trước những khoản phải chi, cùng chia sẻ gánh nặng tài chính với bạn đời của mình".
Theo báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 của Chính phủ, năm 2023, có 3.193 nạn nhân của bạo lực gia đình, trong đó: nạn nhân nữ là 2.628 người, chiếm 82,3% (năm 2022 là 3.440 người, chiếm 87,73%); nạn nhân là nam giới là 565 người, chiếm 17,7% (năm 2022 là 481 người, chiếm 12,27%).
Tổng số người gây bạo lực gia đình là 3.208 người (năm 2022 là 3.975), trong đó nam giới là 2.677 người chiếm 83,4%, nữ giới là 531 chiếm 16,6%. So với năm 2022, tỷ lệ nạn nhân bị bạo lực gia đình là nam giới có dấu hiệu tăng hơn. Tuy nhiên, phần lớn số người gây ra bạo lực gia đình vẫn là nam giới.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Tiêu chuẩn mạnh mẽ, nam tính đóng khung đàn ông Việt
- Đàn ông Việt bị tước quyền được yếu đuối
- Áp lực 'nam tính' của đàn ông Việt
- 'Đàn ông thời nay có quá nhiều áp lực'
- 'Ít người chịu hiểu những áp lực của đàn ông'
- Tôi không muốn chồng nộp hết lương rồi lại xin tiền vợ