Nhìn mấy cuốn vở tập viết lớp một mới mua được vài hôm đã viết kín, tôi chợt nhận thấy đứa cháu gái đã lớn nhiều rồi. Và việc dạy con học hành của em tôi có vẻ cũng không đến mức khó khăn lắm thì phải? Tất cả "con tự học, tự làm" - theo lời của cháu. Cháu có nhiều thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa khi có mẹ đơn thân, bố không mấy khi liên lạc. Khi cháu được hai tuổi, mẹ đi làm giúp việc ở nước ngoài, đến nay đã gần bốn năm. Cháu ở với bà ngoại và bác. Hiện cháu đang chuẩn bị vào lớp một.
Gia đình nhà ngoại cũng không khá giả gì nên cháu càng thiệt thòi hơn. Chỉ có một chút may mắn là bà ngoại và bác dành cho nhiều tình thương yêu. Hơn nữa, tôi làm nghề giáo, nên cũng có nhiều thời gian và có chút kinh nghiệm giáo dục trẻ. Bà đã già, mà dạy trẻ em cần phải có kiến thức. Bởi vậy việc dạy dỗ cháu đa số là do tôi đảm nhiệm. Để cháu có được sự trưởng thành, lớn lên khỏe mạnh, như ngày hôm nay, tôi đã rèn giũa hàng ngày. Cụ thể:
1. Chăm sóc sức khỏe:
- Cháu được bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu, kéo dài cho đến khi gần hai tuổi. Điều này giúp cháu có sức đề kháng khá tốt, ít khi ốm vặt.
- Ngay từ bé, cháu đã được rèn đi ngủ sớm, cứ 21h là phải đi ngủ. Việc đi ngủ sớm này có rất nhiều lợi ích, dễ nhận thấy nhất là việc phát triển chiều cao. Dù gia đình không khá giả, ăn uống không được như nhiều gia đình khác nhưng bé vẫn phát triển chiều cao tốt, so với nhiều bạn cùng lứa còn cao hơn. Ngủ sớm, dạy sớm đã thành thói quen của cháu.
- Gia đình rất hạn chế cho cháu dùng kháng sinh. Không bao giờ có chuyện hắt hơi, sổ mũi lại đi ra hiệu thuốc mua kháng sinh. Tôi lo lắng nếu lạm dụng thuốc có thể gây ra hiện tượng "kháng kháng sinh". Khi cháu bị ho, sốt, gia đình luôn đưa đến Trung tâm y tế huyện để được thăm khám. Nhiều lần, các bác sĩ có tâm ở đây đã kê đơn có những vị thuốc có nhiều thảo dược, dù bệnh có thể lâu khỏi hơn, nhưng rất an toàn cho bé. Đây cũng là xu hướng điều trị mà nhiều người đang lựa chọn.
- Mùa đông ở miền Bắc nhiều khi rất lạnh. Khi gặp thời tiết như vậy, gia đình luôn cố gắng giữ ấm cổ, chân cho bé. Còn mùa hè, rất ít khi tôi cho cháu ngồi điều hòa, luôn luôn cố gắng để cháu được hòa mình với thiên nhiên nhiều nhất có thể. Có lẽ vậy nên bé rất ít bị hắt hơi, sổ mũi.
- Bé luôn được nhắc nhở giữ vệ sinh sạch sẽ: rửa tay trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh. Rất nhiều bệnh tật gây ra qua đường miệng, bởi vậy rửa tay sạch sẽ là điều rất cần thiết.
- Bé cũng được rèn đi vệ sinh ngay sau khi ngủ dậy, được nhắc nhở đi vệ sinh khi mải chơi. Có thể như vậy nên cháu không tè dầm, ị đùn; rất sạch sẽ.
- Bé cũng thường xuyên được đi chơi ngoài trời, đi bơi...
- Bé được rèn ăn nhiều rau, uống nhiều nước; hạn chế ăn mặn, ăn đường, ăn thức ăn nhanh.
2. Nuôi dưỡng tình thương, rèn tính cách tốt đẹp:
- Trẻ em là do người lớn sinh ra nên chúng ta phải có nghĩa vụ yêu thương các em. Tôi dạy cháu tính cách tốt đẹp thông qua các câu chuyện. Tôi kể cho cháu nghe câu chuyện khi người Nhật thu hoạch, bao giờ họ cũng để lại một chút cho chim, thú ăn. Ngạn ngữ có câu: "Lòng yêu thương động, thực vật cũng là lòng yêu quý con người". Tôi kể cho cháu nghe về chuyện "cậu bé chăn cừu" để cháu ghi nhớ phải trung thực...
- Là con gái nhưng cháu rất hiếu động. Nhưng nhà tôi ít khi đánh, mắng cháu cháu vì điều đó. Cháu tuyệt đối không bao giờ phải nghe những câu như: con gái phải thế này, thế kia. Bản thân tôi và các anh chị em của gia đình đã và đang chịu hậu quả nặng nề bởi những lời nói cay nghiệt của chính mẹ mình. Tất cả các anh em tôi đã bị trầm cảm nặng nề. Bản thân tôi thỉnh thoảng vẫn ngủ mơ thấy những lời nói cay nghiệt đó. Cũng bởi tuổi thơ quá kinh hoàng nên giờ tôi có một tật xấu là rất sợ, thậm chí vô cùng kinh hãi những người có lời nói cay nghiệt hay dùng bạo lực với trẻ em. Bởi vậy, tôi cố gắng không bao giờ nói nặng lời hoặc khó nghe.
- Tôi cũng không có chuyện mải xem điện thoại mà quên trò chuyện với cháu. Việc kết nối, giao tiếp với trẻ luôn được ưu tiên hàng đầu.
- "Những người có cuộc sống hạnh phúc, thành công hơn thường là những người yêu nghệ thuật" – câu nói trong "Thế giới phẳng" được nhà báo Thomas Friedman viết từ khá lâu. Đây chính là điều mà ngày nay chúng ta hay nói: "EQ quan trọng hơn IQ". Thực tế, càng sống tôi càng nhận rõ điều này. Bởi vậy tôi có gắng cho cháu nghe nhạc nhiều, vẽ nhiều. Tôi chắc chắn cháu sẽ được học ít nhất một loại nhạc cụ. Có thể không là nghệ sĩ nhưng tôi tin sau này sẽ rất có ích nếu như cháu thấy được vẻ đẹp của một bức tranh, cái hay của một bản nhạc.
- Gia đình tôi chăm cháu đôi khi cũng vất vả nhưng cố gắng không để cháu sau này phải nặng lòng quá. Ít khi cháu phải nghe những câu như: "Vì con mà người lớn phải vất vả". Quan điểm của tôi là nuôi trẻ khôn lớn là trách nhiệm và nghĩa vụ của người lớn.
3. Rèn nội quy, kỷ luật:
- Gia đình tôi vừa yêu cháu nhưng cũng rất nghiêm. Cháu muốn xem điện thoại thì phải hoàn thành bài học. Tuy nhiên, cháu cũng không được xem nhiều TV, điện thoại, không được uống nhiều nước ngọt, ăn nhiều kẹo, bim bim...
- Cháu được dạy rằng làm việc gì là phải hoàn thành việc đó; học xong, chơi đồ chơi xong là phải cất gọn gàng.
- Mùa dịch, cháu cũng không được ngủ muộn, sáu tuổi cũng không được dạy muộn. Nhìn các anh chị lớp trên ngủ đến trưa, đến chiều, còn cháu mình luôn ngủ sớm, dậy sớm, tôi rất tự hào. Để làm được điều đó, bạn phải có nội quy, và rèn kỷ luật nghiêm khắc.
4. Tránh xâm hại trẻ em:
- Một điều quan trọng, rất có thể sẽ ảnh hưởng đến tương lai của con em mà phụ huynh thường không để ý nhiều, đó chính là việc xâm hại trẻ em. Về vấn đề này, bản thân tôi có một bài học nhớ đời. Hôm đó, cũng như mọi ngày, do phải đi làm nên tôi gửi cháu ở nhà anh trai. Nhà anh cũng có hai đứa cháu sàn sàn tuổi cháu mình, hơn nữa, quanh xóm cũng có rất nhiều trẻ em.
Hôm đó, xong việc sớm nên tôi cũng về đón cháu sớm. Khi vào nhà tôi thấy cháu mình đang được một ông già hàng xóm hơn 80 tuổi bế, ông này có nhiều hành động rất phản cảm với bé nhà tôi. Thấy tôi, ông ta giật mình buông cháu ra, còn bản thân tôi cũng sững sờ. Không vậy sao được khi ông này nổi tiếng ở làng là người hay cho trẻ con quà bánh, đồ chơi; hết xóm trên, xóm dưới hầu như nhà nào cũng quý ông. Hơn nữa ông ta đã hơn 80 tuổi, sao ông ta có thể làm thế với trẻ con được?
Từ hôm đó trở đi, tôi để ý nhiều về việc xâm hại trẻ em. Kẻ gây ra các vụ xâm hại trẻ hóa ra có thể là bất cứ ai, từ những người tưởng như đạo mạo, đàng hoàng mà không bao giờ phụ huynh có thể ngờ tới, đến những người lạ. Bởi vậy, khi phải gửi con em mình, phụ huynh cần phải chọn chỗ nào thật tin tưởng, dạy các cháu từng ngày về việc tự bảo vệ cơ thể, không ai được phép nhìn, sờ vào ngực, mông, bộ phận sinh dục của mình, và phải mách cha, mẹ ngay khi bị xâm hại.
Điều này lâu nay các bậc phụ huynh Việt vẫn thường bỏ qua do cứ nghĩ rằng người lớn ôm ấp, hôn hít trẻ em là do họ yêu quý con mình. Ngoài ra do phải mưu sinh vất vả nên nhiều phụ huynh không để ý đến. Hậu quả để lại sẽ rất nặng nề, bởi vậy các bậc phụ huynh cần lưu ý.
5. Vấn đề học tập:
- Ngay từ bé, cháu đã thường xuyên được nghe nhạc, nghe kể truyện. Có thể bởi thế nên cháu tôi phát triển ngôn ngữ khá tốt. Lên bốn tuổi, cháu đã biết đặt biệt danh cho người khác. Việc tập tô hoặc viết chữ, tôi chỉ phải hướng dẫn lúc ban đầu, sau đó cháu toàn tự học một mình. Tôi không hề phải khản cổ, bức bối khi dạy cháu. Không đi học thêm trước khi vào lớp một nhưng tôi tin chắc cháu sẽ theo được. Việc cháu được giáo dục tốt cả về trí tuệ và tinh thần luôn được ưu tiên hàng đầu.
Nhờ cách giáo dục này mà cháu tôi đã được như ngày hôm nay. Bởi vậy, dù mẹ cháu còn vài năm nữa mới về – một điều vô cùng thiệt thòi cho cháu và gia đình, nhưng tôi tin cháu có thể vượt qua được. Mỗi ngày ở với bà, với bác vẫn là những ngày vui với cháu. Cháu luôn được tự do phát triển, được tạo điều kiện để có thể phát huy hết tiềm năng của mình, để sau này có thể trở thành "người mà cháu muốn". Nhưng đó là chuyện của sau này, còn bây giờ "hãy cứ vui đi vì cuộc đời cho phép" nhé con!
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.