Cô gái 24 tuổi tại TP HCM chia sẻ, hình xăm nhịp tim khi đó là xu hướng, nhiều cặp đôi khác cũng chọn xăm cùng nhau. Lúc yêu, cô không nghĩ nhiều, thấy nó ý nghĩa như dấu ấn tình yêu thì xăm.
Khi chia tay, Trang bắt đầu tìm cách xóa đi những kỷ niệm buồn về người yêu cũ, trong đó có hình xăm. Cô thử dùng miếng dán, kem trang điểm để che nhưng không được lâu. Gần đây, cô còn mất cơ hội việc làm chỉ vì hình xăm này.
Trang đã thử tìm đến tiệm xăm năm xưa để xóa bằng cách mài mòn da. Tuy nhiên, trong lúc ngồi chờ tới lượt, nhìn nhiều người kêu than vì đau, cô lại nhụt chí nên đành ra về.
Cũng tìm cách xóa hình xăm liên quan đến người yêu cũ trên bắp tay, trường hợp anh Phan Kiên (34 tuổi, Đồng Nai) phức tạp hơn. Do lo sợ để lại sẹo xấu, thợ xăm đã đề xuất anh xăm hình con hổ với màu đỏ, đen chồng lên hình cũ có màu xanh lá. Tuy nhiên, cách làm này lại càng khiến cánh tay trở nên vằn vện, nhem nhuốc hơn, khiến anh Kiên phải luôn mặc áo tay dài để che đi.
BS.CKI Nguyễn Thị Kim Dung (chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, mỗi tuần bệnh viện tiếp nhận vài chục ca đến xóa xăm. Ngoài lý do hậu chia tay, người đến xóa xăm còn do nhiều nguyên nhân khác như hình xăm không đẹp, bị dị ứng mực xăm hay do sức ép từ gia đình, muốn xin việc làm, xuất khẩu lao động...
Như trường hợp Quyên (25 tuổi, quận Gò Vấp), cũng vì do hình xăm mà hơn một năm nay chưa được xét duyệt xuất khẩu lao động ở Nhật Bản. Quyên có một hình xăm bông hoa sen nhỏ màu đen ở trên cổ tay, không quá lớn. Cô đã sử dụng kem tẩy xăm nhiều tháng nhưng không thể xóa được. "Khi xăm, tôi được thợ xăm giới thiệu loại mực chuyên nghiệp, tạo hình đẹp khó phai. Không ngờ bây giờ muốn xóa lại khó khăn đến vậy", Quyên nói.
Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Thùy Trang cho biết, một số người cố gắng dùng kem tẩy hay xăm hình mới chồng lên hình cũ khiến xóa xăm khó khăn hơn. Xóa xăm tại các cơ sở không an toàn còn để lại sẹo xấu, nhiễm trùng, có nguy cơ cao lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV, viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C... Do đó, người muốn xóa xăm nên đến các bệnh viện có chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da để soi da, xem cấu trúc da và có phác đồ phù hợp nhất.
Hiện có nhiều phương pháp xóa xăm như: phẫu thuật, mài mòn da, xóa xăm bằng laser... Theo bác sĩ Trang, xóa xăm bằng laser Pico được xem là tiêu chuẩn "vàng" và được nhiều người lựa chọn. Laser Pico sẽ phát ra chùm tia chứa năng lượng tập trung vào hình xăm, làm cho mực xăm vỡ thành những mảnh nhỏ hơn so với laser thông thường mà không gây tổn thương da. Sau 8-12 tuần, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ loại bỏ những mảnh vỡ này, hình xăm phai dần theo thời gian. Sử dụng tia laser Pico ít đau, khó để lại sẹo và thấy rõ hiệu quả ngay lần đầu. Tùy vào màu mực và kích thước hình xăm, bác sĩ sẽ xác định được người bệnh cần bắn laser bao nhiêu lần.
Sau 3 lần bắn laser Pico, hình trái tim trên tay chị Trang chính thức "tan vỡ", xóa sạch dấu mực và không để lại sẹo. Trong khi đó, hình xăm theo anh Kiên gần 10 năm cũng đã không còn. Sau 7 lần bắn laser xóa hình xăm mới lẫn hình cũ chồng lên nhau, màu da của bắp tay đã giống các vùng khác. Còn Quyên, sau khi được bác sĩ Kim Dung xóa xăm cũng đang hoàn thành thủ tục để đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản.
Các bác sĩ lưu ý, hình xăm không giống quần áo hay phụ kiện có thể dễ dàng thay thế. Do đó, khi xăm hình cần cân nhắc kỹ để tránh ảnh hưởng không tốt về sau. Người muốn xóa xăm cần chọn cơ sở y tế uy tín, phương pháp phù hợp để tránh biến chứng.
Đinh Tiên