Tôi không hẳn nghĩ như vậy. Những đứa trẻ sẽ trở thành ai, sẽ đối diện với các vấn đề của cuộc sống sau này thế nào, nếu ngay từ bây giờ, chúng được "miễn hoàn toàn" áp lực.
Có hai vấn đề ở đây. Một là phân loại áp lực tốt - xấu cho các con và hai là hướng dẫn các con cách đối diện và xử trí khi chẳng may gặp áp lực xấu.
Cuộc sống không thể nào thiếu áp lực. Vì vậy, đòi loại bỏ hoàn toàn áp lực là điều không tưởng và không nên. Vấn đề là làm sao tạo ra áp lực tốt, giúp trẻ coi đó là thách thức để vươn lên, thay vì khiến chúng nhìn nhận như một mối đe dọa, dẫn tới căng thẳng, trầm cảm và bệnh tật.
Giáo dục tại các quốc gia phát triển rất coi trọng việc tạo ra áp lực tốt cho trẻ thông qua việc trao cho chúng rất nhiều sự tự quyết và chủ động.
Tôi có cậu con trai du học ở Mỹ. Muốn tốt nghiệp trung học, các cháu phải đảm bảo có đủ 28 tín chỉ, để ra trường và có bằng. Cháu nào thích ra sớm có thể đẩy nhanh tiến độ học. Cháu nào muốn ra trễ cứ việc học rề rà.
Để trẻ con chủ động, 28 tín chỉ này cũng không bắt các cháu phải học theo thứ tự như nhau. Học sinh có thể chọn các môn yêu thích để học trước, môn khó học sau; hoặc là cân đối giữa các môn vừa dễ vừa khó, tránh mất cân bằng.
Trong các môn học, có những môn hoàn toàn do thầy dạy, nhưng có nhiều môn trò tự học trên lớp. Con tôi có một lớp mà thầy chỉ yêu cầu thuyết trình về một đề tài tự chọn. Tụi nhỏ có thể chọn bất cứ đề tài nào chúng thích, chẳng hạn như ôtô, máy bay, con vật nuôi, bảo vệ trẻ em, nạn buôn người, du lịch, chống nghiện chất cấm... Với cách này, các con học được nhiều điều từ bạn bè. Còn thầy chỉ nghe và góp ý chứ không đánh giá phê phán gì ghê gớm cả.
Thầy và trò có những ngày học trong phòng. Nhưng vào mùa xuân khi trời rất đẹp, thầy sẽ hỏi ý học trò, sau đó cả lớp có thể ra sân học ngoài bãi cỏ một vài giờ tùy thích. Nhà trường không can thiệp.
Học trò cũng không mấy học thêm. Chỉ cháu nào đạt dưới mức điểm trường chấp nhận thì sẽ phải học kèm với thầy cô hay bạn học do trường tuyển chọn, nhưng hoàn toàn miễn phí. Tiền dạy thêm sẽ do trường trả.
Khi chuẩn bị nộp đơn vào đại học, các cháu có thể dự các kỳ thi tiêu chuẩn như SAT hay ACT, AP bao nhiêu lần cũng được; và được lấy điểm cao nhất để nộp. Khi tham gia chơi thể thao, học sinh tự chọn môn yêu thích và được tự do bỏ giữa chừng nếu thấy không phù hợp. Bằng cách này, các đội tuyển thể thao của trường sẽ sàng lọc bớt các cháu chỉ tham gia lớt phớt cho vui, giữ lại các cháu ưa thích thật sự. Khi đó đội tuyển sẽ thi đấu rất quyết liệt.
Vì được chủ động và tự do, được tôn trọng ý kiến trong khuôn khổ các quy tắc và kỷ luật của trường, học trò sẽ coi mọi áp lực là thử thách do chúng đặt ra cho bản thân. Áp lực lúc đó sẽ tự nhiên chuyển thành động lực để vượt qua trở ngại.
Ngược lại, nếu ép chúng học toàn các môn chúng không hề thích, ép chúng phải hoàn thành theo một lịch trình bất khả thi, ép chúng học thêm quá nhiều, ép chúng chạy theo thành tích mà chúng không hào hứng..., tất cả sẽ tạo ra áp lực xấu, dẫn chúng tới sự chán nản, mất sức và căng thẳng.
Trong khi chờ đợi ngành giáo dục thay đổi, các bậc cha mẹ có thể linh hoạt áp dụng trước, tạo cho các con nhiều cơ hội tự do, chủ động thiết kế mục tiêu của bản thân thay vì chạy theo thành tích ảo và sống theo ước mơ của bố mẹ. Đích đến của giáo dục và dạy dỗ là mang lại lợi ích cao nhất cho đứa trẻ, chứ không phải là làm rạng danh gia đình, dòng họ.
Vấn đề thứ hai là cách xử trí với áp lực xấu khi không thể loại bỏ nó, hay trong các trường hợp bất khả kháng. Vì không có cuộc sống nào chỉ bao gồm áp lực tốt, đứa trẻ phải học cách cân bằng.
Điều này đặc biệt nan giải với những đứa trẻ được gia đình bao bọc quá kỹ. Khi có bất cứ điều gì xảy ra với mình, thay vì tìm cách xử trí, chúng sẽ nhờ cha mẹ làm tất, hoặc là bỏ mặc tới đâu hay tới đó. Những đứa bé này rất sợ thất bại vì chúng không dám đối mặt với thất bại, chưa nói tới việc học hỏi từ thất bại để sau này sống tốt hơn.
Kinh nghiệm nhiều năm làm mẹ giúp tôi nhận ra một sự thật rằng, rất khó dạy bọn trẻ bằng những bài học lý thuyết. Tất cả các bài học sẽ trôi tuột đi rất nhanh. Nhưng từng bước một, cha mẹ có thể cho phép con làm quen với thất bại, coi đó là chuyện đương nhiên phải có để từ đó đứa trẻ không sợ hãi và chủ động học được từ thất bại của mình. Tất nhiên, những bậc cha mẹ ưa thành tích sẽ rất khó chấp nhận sự thất bại, dù là nhỏ, của con. Nhưng khó, cũng phải học.
Nhiều cha mẹ vì quá tập trung, lo lắng cho sự học của con mà quên mất đào tạo kỹ năng cho chính mình.
Nguyễn Anh Thi