Có nhiều bạn trẻ đi làm chỉ chú trọng đến mức lương mà mình nhận được để quyết định có gắn bó với công việc đó hay không? Cá nhân tôi lại có một quan điểm khác, đó là lương cao mà vị thế không cao sẽ dẫn đến cái bẫy, chính là vị trí và năng lực trung bình.
Có bạn hưởng lương 65 triệu đồng một tháng, nhưng vai trò, vị trí trong công ty vẫn chỉ là một phần nhỏ của cả bộ máy lớn. Bạn có được mức lương đó đơn giản là bởi công ty đủ lớn để đánh các thị trường phát triển, phục vụ khách hàng với mức giá cao. Nhưng nhìn kỹ hơn, vị thế của bạn ở công ty là không đủ vững và sâu đến mức công ty không thể thiếu bạn.
Vậy nên, đừng chỉ chăm chăm vào lương. Lương là thứ mà người chủ doanh nghiệp muốn đưa thì đưa, muốn lấy thì lấy. Ngoài ra, lương chưa bao giờ phản ánh vị thế của bạn trong tổ chức. Nó chỉ là con số bạn lấy vị thế ngoài xã hội thôi. Nếu phát triển một tổ chức lâu dài, bạn phải xây dựng giá trị của mình và tổ chức hòa làm một, giá trị của bạn là một phần giá trị của tổ chức. Từ đó, vị thế của bạn trong một doanh nghiệp, một tổ chức mới tốt.
Thứ mỗi người cần phải có là tư duy khai phá. Thay vì chờ đợi một công việc với lương tháng 65 triệu đồng, bạn phải chấp nhận mức lương 25 triệu đồng và phần còn lại sẽ chuyển thành thưởng cuối năm nếu bạn giúp công ty qua cơn khó khăn và đạt được doanh thu, lợi nhuận tốt. Đừng chỉ nêu ra những thứ mình làm được mà phải nói thẳng với bên tuyển dụng là tôi mang được những giá trị gì rất rõ ràng về mặt con số, hữu hình hoặc có kế hoạch.
>> Nghịch lý lương giáo viên trẻ cao hơn người có thâm niên
Kinh nghiệm của tôi, một người từng làm trong lĩnh vực quảng cáo ở công ty đa quốc gia. Tôi vào công ty tháng 8. KPI cả năm của công ty lên mỗi người là phải thắng được ba dự án đấu thầu. Trong hai tháng thử việc, tôi thắng hai dự án. Hai tháng còn lại của năm, tôi thắng thêm hai dự án nữa. Vậy mà thưởng Tết năm đó của tôi chỉ 3 triệu đồng. Tôi vẫn cười, không ý kiến. Tôi làm tiếp công ty đó gần ba năm, học hết những thứ cần học, và ra ngoài cùng những anh em khác mở công ty riêng sau khi đã đủ cứng cáp.
Có một bài học rằng, 10 năm đầu sự nghiệp, tiền không phải là ưu tiên hàng đầu. Vì dù bạn có giỏi cỡ nào thì mọi thứ vẫn đều nằm trong tay sếp. Nên bạn hãy học hết những thứ gì cần học, mở rộng mối quan hệ tốt nhất có thể. Từ năm 30-40 tuổi sẽ là lúc bạn sử dụng những thức tích lũy được để kiếm gấp mấy lần số tiền mà trước đây bạn từng nghĩ là nhiều ở độ tuổi 20, 30.
Tôi nêu câu chuyện trên không phải nói mình giỏi. Vấn đề ở đây chính là việc dù bạn làm giỏi hay không, vượt KPI hay không, thì cuối cùng thành quả nhận được vẫn phải dựa trên đánh giá của tập thể hoặc chính những người đứng đầu tổ chức. Một cánh én không thể làm nên mùa xuân, nên khi đi làm, ngoài tiền, hãy xác định những thứ khác mà bạn phải học - những thứ sẽ giúp bạn hoàn thiện và kiếm được rất nhiều tiền trong tương lai.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.