Tôi rất tâm đắc với bài viết "Những người mộng mơ 'bằng cấp không quan trọng'". Đúng là ngày nay, không ít người trẻ có tư tưởng trọng năng lực bằng cấp, nghĩ rằng người có bằng này, chứng chỉ kia cũng không bằng người làm được việc. Chính bản thân tôi trước đây cũng có suy nghĩ như vậy về câu chuyện bằng cấp học vấn và năng lực chuyên môn.
15 năm trước, tôi từng rất hài lòng với tấm bằng cử nhân đại học của mình và chê cười mấy người bạn cố gắng học lên Thạc sĩ, Tiến sĩ thay vì ra đi làm, phấn đấu cho sự nghiệp. Tôi nghĩ rằng học cao làm gì cho mệt, cứ có năng lực chuyên môn là ra đi làm tự khắc tìm được công việc tốt. Và đúng là nhờ những kinh nghiệm thực tế làm việc từ hồi sinh viên nên tôi nhanh chóng tìm được một công việc với mức lương khá tốt.
Khởi đầu như mơ, tôi gạt phăng ý nghĩ học hành, bằng cấp ra khỏi đầu để lao vào làm việc, kiếm tiến. Tuy nhiên, cuộc đời vốn không như mơ. Càng ngày, tôi càng nhận thấy mức lương của mình tăng khá chậm, lại không có nhiều cơ hội phát triển, thăng tiến dù tích lũy kinh nghiệm không ít. Đơn giản vì nhiều đồng nghiệp của tôi còn được đào tạo cao hơn, kinh nghiệm thực tế nhiều hơn tôi nên họ sẽ được ưu tiên cất nhắc. Vậy nên, tôi quyết định nghỉ việc và tự ra ngoài kinh doanh.
Mặc dù, việc kinh doanh tương đối ổn, đem lại cho tôi thu nhập gấp 5-10 lần khi đi làm công ăn lương trước kia, nhưng nó về sự bứt phá trong sự nghiệp thì không. Thế nên, tôi không thể tự nhận rằng mình đạt được thành công trong công việc. Dù không thất bại, thua lỗ, nhưng thu nhập của tôi đã chững lại trong ba năm liền tính đến hiện tại.
Trong khi đó, nhìn sang những người bạn ngày xưa quyết tâm học lên cao, đến nay, họ đã là Thạc sĩ, Tiến sĩ có tiếng cả. Ngoài địa vị, danh tiếng, họ còn có rất nhiều cơ hội được mời đi dự các chương trình, hội thảo, cả báo chí và các hoạt động xây dựng chính sách. Đó là còn chưa kể họ được cơ quan, tổ chức cử đi học, đi công tác, tham dự các hội nghị quốc tế ở nhiều nơi trên thế giới. Thế nên, vị trí hiện tại còn mang lại cho họ nhiều giá trị mềm khác nữa như các mối quan hệ xã hội, nắm bắt nhiều thông tin quan trọng, có tiếng nói đối với cộng đồng, tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội...
Xét về kinh tế, có thể tôi không kém cạnh các bạn bè cùng trang lứa, nhưng xét về nhiều giá trị khác kể trên, tôi thấy bản thân thua kém rất nhiều. Do vậy, với những bạn trẻ đang có suy nghĩ chỉ cần học vừa phải, ra trường đi làm, tích lũy kinh nghiệm thực tế để có một khoản thu nhập khá là hơn hẳn việc phấn đấu học tập thì đó là một sai lầm rất lớn. Bất cứ sự nỗ lực nào cũng sẽ mang lại cho bạn thành quả xứng đáng. Hãy nhìn nhận một cách đa chiều, đừng quá xem trọng thu nhập nhất thời mà vội vàng hạ thấp tầm quan trọng của học vấn, bằng cấp.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.