Các bức ảnh được hải quân Mỹ công bố cho thấy trực thăng MH-60S Sea Hawk cất cánh từ tàu sân bay USS Carl Vinson hôm 11/1 tại Biển Đông. Hải quân Mỹ cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson đang được triển khai tới khu vực phụ trách của Hạm đội 7 nhằm tăng cường khả năng phối hợp với các đồng minh, đối tác và hoạt động như một lực lượng "sẵn sàng ứng phó" nhằm ủng hộ một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Tổ chức Sáng kiến Theo dõi Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI), có trụ sở tại Bắc Kinh, cũng cho biết tàu sân bay USS Carl Vinson và tàu sân bay trực thăng USS Essex cùng các chiến hạm hộ tống tiến vào khu vực phía nam Biển Đông ngày 11/1.
Hài quân Mỹ chưa công bố kế hoạch hoạt động cụ thể của các chiến hạm này. SCSPI nhận định nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson và nhóm đổ bộ tấn công Essex, hai loại "siêu chiến hạm" của hải quân Mỹ, có thể sẽ hội quân và diễn tập chung trên Biển Đông.
Bản đồ theo dõi vị trí các nhóm tác chiến tàu sân bay và nhóm đổ bộ tấn công, được USNI công bố ngày 10/1, cho thấy tàu sân bay Carl Vinson di chuyển ở vùng biển Celebes phía nam Philippines, trong khi tàu sân bay trực thăng Essex đang tiến vào eo biển Malacca.
Hải quân Mỹ từng tổ chức diễn tập chung giữa hai nhóm tác chiến tàu sân bay tại Biển Đông vào tháng 7/2020 và tháng 2/2021. Tàu sân bay Carl Vinson cùng các chiến hạm hộ tống tháng 10/2021 cũng diễn tập chung tại Biển Đông với tàu sân bay trực thăng JS Kaga của Nhật Bản.
Hải quân Mỹ cho biết nhóm tác chiến Carl Vinson mang theo 9 phi đội máy bay thuộc không đoàn tàu sân bay số 2, trong đó có tiêm kích tàng hình F-35C và nhân sự vận hành. Tham gia hộ tống tàu sân bay Carl Vinson là tuần dương hạm Lake Champlain và 5 khu trục hạm tên lửa lớp Arleigh Burke.
Nhóm đổ bộ tấn công Essex vừa kết thúc nhiệm vụ tại Trung Đông kéo dài ba tháng rưỡi hồi tuần trước. Nhóm này gồm tàu sân bay trực thăng Essex cùng hai tàu đổ bộ USS Portland và USS Pearl Harbor.
Thông tin chiến hạm Mỹ tới Biển Đông được công bố sau khi tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc kết thúc đợt huấn luyện tại khu vực và trở về cảng Tam Á trên đảo Hải Nam.
Trong cuộc diễn tập trên Biển Đông bắt đầu hồi cuối tháng 12/2021, nhóm tác chiến tàu Sơn Đông huấn luyện khoa mục cất hạ cánh trên tàu sân bay, kiểm soát thiệt hại và tìm kiếm cứu nạn.
Mỹ và các nước phương Tây như Anh, Pháp và Đức gần đây tăng cường hiện diện quân sự và tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông, trong bối cảnh căng thẳng leo thang do Trung Quốc mở rộng lực lượng hải quân và thiết lập các tiền đồn quân sự trên đảo nhân tạo bồi đắp trái phép trong khu vực.
Mỹ nhiều lần phản đối các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trong khu vực, cáo buộc nước này quân sự hóa Biển Đông và đe dọa các nước láng giềng. Cục Đại dương, Môi trường Quốc tế và Các vấn đề khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12/1 công bố tài liệu 47 trang bác bỏ cơ sở địa lý và lịch sử liên quan đến các yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo tháng 11/2021 tái khẳng định lập trường rõ ràng và nhất quán của Việt Nam về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như vấn đề Biển Đông.
"Việt Nam đề nghị các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 trong mọi hoạt động trên Biển Đông, không có hành động làm phức tạp tình hình, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực", bà Hằng tuyên bố.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)