Thầy thuốc ưu tú, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Vũ Lê Chuyên - Giám đốc Trung tâm Tiết niệu - Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, hôm nay (31/3), cho biết: Bệnh viện vừa tiếp nhận và cấp cứu thành công trường hợp hiếm gặp. Bệnh nhân nữ Nguyễn Thu Hồng (63 tuổi, TP HCM) vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM vào ngày 28/3 với triệu chứng tiểu ra máu ồ ạt (ước lượng cả máu và nước tiểu là 2 lít) và mất máu trầm trọng, tình trạng nguy cấp. Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân có chỉ số mạch 100 lần/phút, HA 70/50mmHg, người bệnh mệt mỏi, đau đầu, da niêm nhợt nhạt, có tiếng thổi vùng thận trái. Ngay lập tức, bệnh nhân được hội chẩn đa chuyên khoa với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về thận học, lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh, nhằm xử trí cấp cứu, chẩn đoán và điều trị.
Các bác sĩ đã truyền máu khẩn cấp và cấp cứu bước đầu để giúp người bệnh đảm bảo sức khỏe, hồi phục các dấu hiệu sinh tồn. Đồng thời, bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính động mạch thận (CTA) bằng máy CT 768 lát cắt hiện đại, kết hợp chụp mạch thận số hóa xóa nền (DSA) để xác định nguyên nhân tình trạng bệnh.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Minh Thiệu - Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Can thiệp Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy động mạch thận của bệnh nhân có túi phình mạch lớn, kích thước 14x16mm, cổ túi phình 5mm. Túi phình được cấp máu từ một nhánh của động mạch thận trái và thông nối bất thường với một nhánh tĩnh mạch, gây giãn lớn nhánh tĩnh mạch này. Trên hình chụp mạch thận số hóa xóa nền cũng cho thấy túi phình mạch này có kích thước lớn, dòng chảy cao.

Hình ảnh túi phình mạch ở thận của bệnh nhân (ảnh trái) và thủ thuật can thiệp nội mạch (ảnh phải) cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
"Tiểu ra máu ồ ạt gây rối loạn huyết động là một trường hợp khá hiếm gặp. Bằng kinh nghiệm và thông tin y văn thế giới, chúng tôi nghi ngờ khả năng người bệnh có tình trạng vỡ túi phình mạch và chẩn đoán hình ảnh cho kết quả chính xác, phù hợp với tiên đoán bệnh ban đầu của chúng tôi. Bệnh nhân được kết luận tình trạng tiểu ra máu ồ ạt do vỡ túi phình động mạch thận trái, thông nối bất thường động - tĩnh mạch thận", bác sĩ Minh Thiệu cho biết.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Thi Văn Gừng - Trưởng đơn vị Hình ảnh học can thiệp, người trực tiếp thực hiện can thiệp nội mạch cho người bệnh, đối với tình trạng vỡ túi phình có thông động - tĩnh mạch thận kích thước lớn, dòng chảy cao thì phẫu thuật cắt thận thường sẽ được cân nhắc lựa chọn do nguy cơ trôi vật liệu nút mạch trong quá trình can thiệp. Tuy nhiên, với máy móc hiện đại và tay nghề của bác sĩ, những báo cáo gần đây cho thấy can thiệp nội mạch có thể được thực hiện an toàn ngay cả với những trường hợp thông động - tĩnh mạch thận có lưu lượng cao. Do đó, ekip Bệnh viện Tâm Anh quyết định lựa chọn can thiệp nội mạch nhằm bảo tồn thận tối đa cho người bệnh.
"Trong can thiệp nội mạch, việc lựa chọn vật liệu nút mạch phù hợp nhằm tránh nguy cơ trôi vật liệu theo tĩnh mạch, gây tắc mạch ở các cơ quan khác như thuyên tắc phổi... là một bài toán khó, cần cân nhắc kỹ. Sau khi bàn bạc chúng tôi quyết định chọn coil làm vật liệu nút mạch. Việc lựa chọn kích thước coil để can thiệp nội mạch cũng đóng vai trò quan trọng giúp giảm chi phí và đảm bảo hiệu quả điều trị cho người bệnh’, bác sĩ Thi Văn Gừng cho biết.
Sau khi bệnh nhân được can thiệp nội mạch, kết quả chụp ảnh kiểm tra cho thấy túi phình và đường thông động - tĩnh mạch đã được bít tắc hoàn toàn.

Ekip sau ca thủ thuật can thiệp thành công. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Theo phó giáo sư Vũ Lê Chuyên, ca phẫu thuật thành công, bệnh nhân hiện được theo dõi tại Trung tâm Tiết niệu - Thận học của bệnh viện. Người bệnh đã cải thiện đáng kể các triệu chứng như nước tiểu trong, hết lẫn máu, huyết áp cải thiện, hồng cầu trong máu tăng trở lại, hết chóng mặt và có thể đi lại.
Phó giáo sư Chuyên cho biết thêm bệnh lý túi phình động mạch thận là tình trạng hiếm gặp. Theo y văn, tần suất gặp bệnh lý này chỉ là từ 0,01% đến 0,1% trong dân số và chiếm khoảng 1% trong các bệnh lý túi phình động mạch nói chung.
Hiện nay, can thiệp điều trị túi phình bằng phương pháp nút mạch đang có ưu điểm hơn phẫu thuật như thời gian nằm viện ngắn, giảm lượng máu mất trong quá trình thực hiện, giảm nguy cơ cắt bỏ thận. Can thiệp nội mạch giúp loại bỏ túi phình ra khỏi vòng tuần hoàn mà vẫn bảo tồn được mạch máu nuôi nhu mô thận. Những trường hợp túi phình nằm ở nhánh động mạch lớn như trường hợp bệnh nhân trên rất phù hợp với phương pháp can thiệp nội mạch.
"Can thiệp nội mạch hiện là phương pháp được lựa chọn hàng đầu trong chẩn đoán và điều trị những bệnh lý liên quan đến mạch máu như vỡ phình mạch thận, thông động tĩnh mạch thận... Tại Bệnh viện Tâm Anh, chúng tôi thực hiện phương pháp này mang đến nhiều ưu điểm nổi bật như ít xâm lấn, thời gian hồi phục nhanh, giảm thiểu thời gian thời gian nằm viện, tránh nguy cơ gặp những tai biến do phẫu thuật như cắt bỏ thận... cho người bệnh", bác sĩ Thi Văn Gừng nhận định.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Hoài Ân