Rận mu là loại côn trùng ký sinh hay còn gọi là rận lông mu, rận cua, chấy cua, rận bẹn. Rận mu có kích thước rất nhỏ, khoảng 0,8-1,2mm. Rận mu xuất hiện ở vùng sinh dục của cả nam và nữ. Tuy nhiên, rận mu còn có thể lây lan sang các khu vực khác có lông thô trên cơ thể, bao gồm: chân, ngực, nách, râu hoặc ria mép, lông mi hoặc lông mày (phổ biến hơn ở trẻ em) và rất ít gặp ở tóc.
Rận mu không gây ra những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe nhưng ảnh hưởng đến chất lượng sống. Sau khoảng 5-6 ngày bị nhiễm, cơ thể sẽ phát sinh cảm giác ngứa ngáy, khó chịu ở cơ quan sinh dục. Mức độ ngứa càng trở nên nghiêm trọng hơn vào buổi tối, ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ của người bệnh. Ngoài ra, người bệnh có thể đi kèm biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi. Một vài trường hợp còn thấy những nốt màu xanh xuất hiện trên vùng da lông mu. Đây là vị trí rận mu cắn và hút máu vật chủ.
![Mặc quần áo nhiều lớp, kín gió... giúp giữ ấm mùa lạnh cũng là môi trường lý tưởng khiến rận mu phát triển. Ảnh: Freepik](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/12/26/ran-mu-5929-1672049019.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=aO15qSiBzZYvZpxWiw50rw)
Mặc quần áo nhiều lớp, kín gió... giúp giữ ấm mùa lạnh cũng là môi trường lý tưởng khiến rận mu phát triển. Ảnh: Freepik
Theo bác sĩ Phạm Xuân Long - Khoa Nam học - BVĐK Tâm Anh, con đường lây lan phổ biến nhất của rận mu là qua hoạt động tình dục. Rận mu sẽ nhảy từ lông mu của người này sang người khác. Sự tiếp xúc gần gũi về thể chất cũng có thể bị lây nhiễm. Ngoài ra, bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm rận mu từ khăn trải giường, chăn, khăn tắm hoặc quần áo bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng có nhiều khả năng bị rận mu. Đặc biệt, thời điểm mùa Đông, khí hậu lạnh lẽo, cơ thể cần nhiều lớp trang phục để giữ ấm, vùng sinh dục không thông thoáng hay vệ sinh kém, càng tạo môi trường lý tưởng cho rận mu sinh sôi và gây ngứa. Tuy nhiên, những tiếp xúc thông thường như bắt tay, ôm không được xem là nguyên nhân gây bệnh.
Nếu để tình trạng nhiễm rận lâu, người nhiễm rận mu có thể đối diện với các các biến chứng như: nhiễm trùng thứ phát (do gãi mạnh có thể gây trầy xước và nhiễm trùng), kích ứng mắt (rận mu trên lông mi của trẻ có thể gây viêm kết mạc)...
Do vậy nếu người bệnh có xuất hiện ngứa da dị ứng, nổi mẩn, sẩn đỏ rải rác toàn thân đặc biệt là vùng mu sinh dục hoặc khu vực có lông tóc thì cần đi khám kiểm tra để phát hiện bệnh và điều trị chính xác. Điều trị có thể dùng kem bôi như Permethrin, Spregal (esdepallethrin 0,633 % va piperonyl butoxid 5,305 %), Diethyl phthalate (DEP)... theo chỉ định của bác sĩ. Ngưng quan hệ trong khoảng hai tuần. Lặp lại quá trình điều trị sau khoảng 9-10 ngày nếu còn cảm giác ngứa do rận mu gây ra.
Để ngăn chặn sự xâm nhập của rận mu, tránh quan hệ tình dục hoặc dùng chung giường hoặc quần áo với người bị nhiễm rận. Nếu nam giới đang điều trị rận mu thì bạn tình cũng phải được điều trị.
Bác sĩ Long cho biết, do có kích thước nhỏ lại ký sinh ngoài da nên rận mu rất dễ lây lan, khó phòng tránh. Do đó, người bệnh cần đi khám ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ. Rận mu cần điều trị triệt để, hạn chế lây lan sang người khác. Nam giới nên hạn chế đối tác tình dục và dùng bao cao su khi quan hệ để phòng tránh những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Phụ nữ nên thường xuyên làm gọn lông vùng kín nhằm hạn chế việc tạo môi trường thuận lợi cho rận mu sinh sôi và phát triển. Vệ sinh đúng cách sau khi quan hệ tình dục bằng các dung dịch vệ sinh không chứa chất tẩy rửa mạnh.
Cặp đôi nên vệ sinh cá nhân sạch sẽ, không dùng chung đồ cá nhân như khăn tắm, khăn mặt, quần áo. Thường xuyên giặt quần áo, chăn màn, phơi đồ nơi có nhiều nắng.
Người sống ở khu vực không khí lạnh, cần tận dụng những ngày nắng ấm, phơi phóng quần áo, drap giường, hút bụi, tạo không khí thoáng đãng cho phòng ngủ; vệ sinh thường xuyên vùng kín, lau khô trước khi mặc quần áo...
Chang Chang