Ông Xuân bị bệnh huyết áp cao, đây là một căn bệnh mãn tính. Một ngày nọ, huyết áp của ông tăng rất cao, ông bị tai biến, đưa vào nhà thương nhưng quá muộn.
Bà Yến xây một căn biệt thự rất đẹp nhưng hệ thống ống nước trong nhà bà lại quá nhỏ. Trên gác thượng bà đặt một cái bơm tăng áp lớn. Một ngày nọ, cái bơm bị "dở hơi" nên tăng mức nước bơm vào đường ống. Bụp ... một vài đoạn ống âm tường trong căn biệt thự bị vỡ, nước ngấm đầy tường.
Đây chỉ là vài ví dụ minh họa hệ thống giao thông đường bộ ở các thành phố lớn so với lượng xe cá nhân lưu hành mà nó phải tải trong giờ cao điểm. Có thể thấy rằng, cho dù xây thêm bao nhiêu hầm chui hay cầu vượt, nạn kẹt xe, áp lực xe đông trên toàn hệ thống là không bao giờ giảm.
>> Hà Nội cấm xe máy - 'đau đớn' cũng phải làm
Hầm chui và cầu vượt chỉ giải quyết tình huống xe đông tại một nút thắt nhưng rất vắng phía sau nút thắt đó. Còn khi tại mọi điểm trên tuyến đường xe đều đông thì một cái hầm chui hay cầu vượt dài vài trăm mét chẳng qua là sự bổ sung thêm vài trăm mét đường để chứa thêm xe mà thôi.
Nói như vậy để thấy rõ việc hạn chế xe cá nhân là điều đúng đắn và bắt buộc phải làm. Bởi tốc độ xây thêm các con đường hay tốc độ giãn dân trong thành phố không thể nào kịp với tốc độ đẻ thêm của số xe cá nhân. Cho tới lúc này tôi vẫn chưa nhắm vào xe máy hay ôtô bởi cấm xe máy thì tại sao không cấm xe ôtô? Nếu cấm ôtô thì sao không cấm xe máy.
Tôi cực lực phản đối cái tư duy "cấm" cho dù xe gì. Nếu tôi là chủ các công ty sản xuất xe máy thì tôi không biết nên nghĩ gì với mấy từ này, cũng không biết mấy ngàn nhân viên nhà mày, cửa hàng bán xe sẽ đi đâu, làm gì vào cái ngày D-day mà lệnh cấm "vô cảm" có hiệu lực. Nếu tôi là các hãng xe công nghệ, tôi cũng không biết đội shipper, biker của tôi sẽ đi đâu về đâu. Nếu tôi là nhà bán lẻ, cũng không biết phải giao hàng tới khách bằng máy bay hay xe tải.
Nếu người thân của tôi đau bệnh vào 2h sáng cũng không biết đợi lúc nào mới có xe cứu thương hay xe taxi. Với những người thích "ra lệnh" và "làm luật", tôi hy vọng họ hiểu và suy nghĩ rộng hơn về những ảnh hưởng của một chính sách pháp luật. Pháp luật được đặt ra để đảm bảo công bằng và duy trì trật tự trong xã hội. Ngay cả pháp luật cũng có mặt trái của nó, đó là sự cào bằng và khả năng thực thi.
Chiếc xe máy của tôi 10 năm nay chưa đóng phí sử dụng đường bộ, trong khi chỉ một năm Covid-19, chiếc xe hơi của tôi xếp xó vẫn đóng 3 triệu đồng phí đường bộ. Làm sao để thu phí với xe máy? Làm sao để biết xe nào chưa đóng phí và phạt chủ xe?
Ví dụ khác, tất cả các biển cấm trên đường hiện nay, trừ biển đường một chiều và biển phân làn đường, là người đi xe máy "có vẻ" hiểu và tuân thủ, các biển khác đặc biệt là biển "Cấm dừng đỗ" và biển "Cấm dừng" người đi xe máy coi như được "miễn trừ".
Tôi dám cá là rất ít người không lái ôtô phân biệt thế nào là biểm "cấm dừng" và biển "cấm đỗ" và họ cũng chả biết hình dạng nó thế nào luôn! Nếu nói đến biển phức tạp hơn như "cấm rẽ trái/phải" hoặc "cấm rẽ và quay đầu xe" thì chắc các tài xế xe máy lại càng nhức đầu hơn. Còn biển báo hiệu như "chợ", "trường học" trừ khi đi chung với gờ giảm tốc còn lại thì vô nghĩa. Tóm lại, luật thì có, nhưng chắc là 80-90% tài xế xe máy không có thói quen quan sát biển báo trên đường.
Vậy nên làm gì để hạn chế xe cá nhân trong khi không ra những luật lệ mù quáng? Có một vài việc nhỏ nhưng chắc chắn đúng, chắc chắn hiệu quả mà chúng ta có thể làm. Muốn hạn chế xe cá nhân, chỉ cần giảm dần diện tích bãi đậu xe ở các công sở. Các công sở nhà nước càng nên làm việc này để nêu tấm gương sáng chói cho dân noi theo. Trường học, bệnh viện công đều có thể làm việc này.
>> Cần có Tuần lễ không xe máy ở Hà Nội, Sài Gòn
Còn các tòa nhà tư nhân, trung tâm thương mại sẽ phức tạp hơn. Ở các nước phát triển, chỗ đỗ ở nơi làm việc rất giới hạn và phải mua. 100 người đi xe nhưng tòa nhà chỉ có 20 chỗ là chuyện bình thường. Tức là chỉ cỡ giám đốc, quản lý thì cty mới mua chỗ đỗ xe trong toàn nhà cho họ, còn lại dư ra vài chỗ ai đến sớm thì đỗ, ai đi muộn thì ... tèo! Rõ ràng là cách mà các toàn nhà, trung tâm thương mại dùng hàng trăm m2 đất chỉ để đỗ xe, thu phí 10k/lượt là các sử dụng diện tích đất lớn nhưng quá lãng phí.
Tất cả các tòa nhà hiện nay đa số dùng hệ thống kiểm soát xe gửi bằng cách chụp biển số và thẻ xe là thẻ từ. Có nghĩa là dữ liệu của từng chiếc xe ra vào tòa nhà đều ghi trên ổ cứng và có thể thống kê theo ngày, theo lượt, theo số lượng xe. Các thiết bị nhận dạng biển số để số hóa hình ảnh biển số xe thành dữ liệu số cũng không khó triển khai. Với dữ liệu này, chính quyền sở tại có thể làm việc với tòa nhà để thống nhất số lượng xe tối đa họ được giữ trong bãi xe trên phương diện hạn chế xe cá nhân, tăng cường sử dụng phương tiện công cộng.
Tiếp theo là hãy dẹp hết các hàng quán rong dọc đường. Không có một đất nước phát triển nào mà ở những thành phố lớn nhất nhì cả nước, cái tư duy kinh tế lề đường nó lại như ở Việt Nam.
Các quán hàng rong, cà phê, bánh mì, xe đẩy bán đồ ăn sáng chính là cái ung nhọt, những điểm tắc nghẽn, các cục máu đông trong mạch máu chúng ta. Tưởng tượng một con đường đang bon bon chạy, tự nhiên lại phình ra một chỗ kẻ mua người bán đậu xe tấp nập nhộn nhịp chỉ vì ... một bữa ăn sáng hay một ly cà phê.
Những thứ này dẹp đi không chết ai cả. Những người bán hàng rong hãy nghĩ xem, nếu chuyển qua giao thông công cộng, xe buýt chạy vù một cái từ điểm A tới B thì họ sẽ bán cho ai trên dọc đường. Hơn nữa muốn người dân đi xe buýt thì phải có vỉa hè.
Chỉ vì mưu sinh (chưa chắc họ không thể làm việc khác) của một số người mà cản trở sự phát triển của cả một thành phố thì không đáng. Rõ ràng đây là một việc tất yếu và chắc chắn đúng mà chúng ta có thể làm.
Tiếp nữa là tổ chức xe buýt cho học sinh, sinh viên. Với học sinh cấp 1, đi xe buýt khá là nguy hiểm, nhưng học sinh cấp 2 trở lên thì không đến nỗi nào. Các điểm xe buýt nên lắp đặt camera và có lực lượng dân quân, dân phòng (và dân gì gì nữa không biết! tóm lại là "dân") hỗ trợ các em học sinh ổn định xếp hàng và lên xe theo trật tự.
>> 6 triệu xe máy Hà Nội sẽ 'ra nghĩa địa'?
Tiếp nữa là dù không cấm xe máy nhưng có thể cấm shipper, xe ôm hoạt động trong giờ cao điểm. Các loại hình này hiện đã do các công ty công nghệ quản lý người lao động, cấm không khó và cấm là hợp lý. Giờ cao điểm shipper đi cũng chẳng hiệu quả, còn xe ôm thì cấm bởi vì chúng ta muốn khuyến khích xe buýt.
Cuối cùng là phạt nguội các phương tiện vi phạm luật giao thông mà ... không dùng tiền cũng chẳng giữ xe. CSGT nên kết hợp với CA phường tiến hành khóa bánh xe phương tiện vi phạm tại nơi chủ xe làm việc. Các hành vi đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, dừng đỗ sai luật rất dễ chứng minh và xử phạt nguội.
Với dữ liệu biển số xe mà các tòa nhà chia sẻ với CSGT, một hệ thống phần mềm đơn giản dễ dàng xác định chủ phương tiện nào đang làm việc ở đâu. Khi họ vi phạm, chủ tòa nhà sẽ tiến hành khóa bánh xe theo yêu cầu của cảnh sát khu vực. Với cách làm này, bên CSGT không cần những kho chứa xe hay tiến hành xử phạt phức tạp. Việc thu tiền phạt, nộp phạt lằng nhằng về bản chất chỉ phát sinh nạn xin xỏ hối lộ, không làm nản lòng những tài xế vì thuận tiện mà bỏ qua sĩ diện. Nếu xe của họ bị khóa, phạt tại nơi làm việc thì mới là hình phạt thích đáng nhất cho họ.
Tóm lại, tôi thấy rằng việc hạn chế phương tiện cá nhân khuyến khích phương tiện công cộng là cả một quá trình thay đổi thói quen, nếp sống, văn hóa (không chỉ văn hóa giao thông), và còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế của một xã hội. Nên không thể làm bằng một cái "quyết định vô cảm" mà phải làm từng bước, chắc, đúng, dứt khoát.
LoneWolf
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.