Chia sẻ xung quanh chủ đề giáo viên dùng bạo lực với học sinh hư, độc giả Trọng Nguyễn bày tỏ quan điểm:
"Thế hệ tôi, học sinh quậy phá, hư, hỗn, lười thì bị phạt, ăn đòn như cơm bữa mà chẳng có vấn đề gì. Giờ chỉ có phạt quỳ mà cha mẹ học sinh đã nhảy dựng lên rồi. Giáo viên không phải là thần thánh, cha mẹ ở nhà dạy còn chưa xong, thì sao đòi giáo viên quản lý hơn 40 chục con người phải dạy tốt hết? Cháu tôi học bên Mỹ, chỉ có làm ồn trong lớp cũng bị đuổi ra ngoài luôn, chứ họ chẳng tìm cách uốn nắn đâu. Nếu phụ huynh Việt cũng thích làm vậy thì giáo viên càng khỏe. Chúng ta cứ suốt ngày gây áp lực bắt giáo viên phải dạy tốt, trò phải học tốt, tôi thấy thật mắc cười. Bản thân cha mẹ còn không tốt thì làm sao con tốt được mà đòi hỏi giáo viên đủ thứ như vậy. Nên nhớ, vai trò chủ yếu của giáo viên là dạy học, còn việc dạy đạo đức là nhiệm vụ chính của cha mẹ".
Không đồng tình với quan điểm trên, bạn đọc Minh LQ lại khẳng định một giáo viên giỏi phải biết lựa chọn hình thức dạy dỗ phù hợp với học sinh:
"Tính cách mỗi em mỗi khác, hoàn cảnh sống cũng khác biệt. Do đó, việc dạy dỗ, rèn luyện mỗi cá nhân cũng phải khác nhau, không hề có một khuôn mẫu chung nào cho tất cả. Người thầy giỏi là người biết lựa chọn đúng khuôn mẫu cần thiết, cái này liên quan nhiều đến nhân sinh quan và trải nghiệm bản thân của mỗi người thầy. Bạo lực là không thể chấp nhận, đó chỉ là là lựa chọn cuối cùng".
Cũng ủng hộ tư tưởng dạy học không bạo lực, độc giả Hai lúa chăn vịt chia sẻ chính trải nghiệm của bản thân:
"Rất nhiều bạn xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, lao động nghèo, ít học, chỉ cho con đi học, nhờ cậy nhà trường và họ rất thành công. Suốt thời gian đi học, may mắn là tôi chưa bao giờ thấy người thầy nào lớn tiếng với học trò. Hình ảnh của thầy cô luôn là lịch lãm, thân thiện, cao thượng. Nên ước mơ của học trò chúng tôi là được làm thầy. Tạo được một trường học đường tốt, vị trí xã hội và mức sống của thầy cô tốt, yêu nghề là công việc của người lớn. Chúng ta không nên thành kiến với các học sinh chưa ngoan, nên thương các cháu hơn mới có thể giáo dục được. Hãy nghĩ rằng các cháu không hư thì xã hội sẽ tốt hơn".
>> Bạo lực là giải pháp khi giáo viên bất lực
Nói về trách nhiệm trọng việc dạy dỗ học sinh, bạn đọc Cuongtran.tvc nhấn mạnh vai trò của gia đình cần song hành, hỗ trợ cho giáo viên thay vì phó thác hoàn toàn:
"Trước khi quy trách nhiệm cho giáo viên, hãy nhìn nhận lại để thấy rằng các công cụ để giáo dục học sinh của chúng ta còn quá thiếu, giáo viên có quá ít lựa chọn. Thử hỏi có bao nhiêu phương pháp để xử lý các trường hợp học sinh cá biệt? Phụ huynh thì dồn trách nhiệm uốn nắn các em cho giáo viên hoàn toàn. Trong khi lương giáo viên lại thấp, thử hỏi việc uốn nắn các em sẽ cần bao nhiêu nỗ lực? Các phụ huynh luôn kêu nuôi con ăn học tốn kém, nhưng đấy chỉ là về vật chất, còn tinh thần thì sao? Bản thân gia đình và môi trường xung quanh đã nhiều vấn đề, lại dồn sức ép đó lên vai giáo viên, như vậy chẳng phải bất công với họ không? Vấn đề nào cũng có những lý do, và đôi khi tôi thấy mọi người chỉ chạm được đến phần nổi của vấn đề".
Đề xuất về hướng giảm bớt áp lực cho giáo viên trong việc dạy dỗ học sinh cá biệt, độc giả Halcyon bày tỏ:
"Tôi xin bổ sung thêm vài ý như sau:
- Lương giáo viên nên xứng tầm với công sức họ bỏ ra và số lượng học sinh nên vừa đủ để thầy cô giáo có thể quan tâm xem xét hết lớp.
- Quan điểm của tôi là việc hình thành nhân cách của trẻ cần bắt đầu tại nhà và sau đó được rèn luyện thêm ở trường lớp và xã hội. Trách nhiệm dạy con lớn nhất thuộc về cha mẹ, rồi sau đó mới đến giáo viên.
- Ngoài ra, giáo viên cũng nên được bồi dưỡng nghiệp vụ và tiếp cận những giáo trình tiến bộ, ví dụ như chú trọng vào những điều tích cực (positive psychology), thiền, hay yoga để loại bỏ những xu hướng bạo lực.
- Thời đại 4.0 này nhiều thông tin, giáo trình có thể tìm trên mạng. Thêm vào việc học online trong mùa dịch nên học sinh cần được dạy cách tự học hơn là việc học vẹt như xưa".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.