Dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ hoàn toàn 5 hình thức kỷ luật được quy định từ năm 1988. Theo đó, học sinh vi phạm kỷ luật sẽ không bị khiển trách trước lớp, trước hội đồng kỷ luật của trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học một tuần lễ hay một năm học như hiện nay nữa.
Thay vào đó, các nhà trường sẽ áp dụng hình thức kỷ luật tích cực. Khi học sinh vi phạm, giáo viên thu thập thông tin khách quan, xác định đúng nguyên nhân, tính chất, mức độ, hậu quả và đặc điểm tâm lý của học sinh mắc khuyết điểm để lập kế hoạch giáo dục. Giáo viên và nhà trường có thể lựa chọn áp dụng một số biện pháp như khuyên bảo, động viên; nhắc nhở, phê bình riêng; phối hợp với phụ hynh để hỗ trợ hay tư vấn tâm lý.
Ngoài ra, giáo viên có thể yêu cầu học sinh làm một số nhiệm vụ học tập, rèn luyện như hoàn thành bài còn thiếu; viết lại nội quy liên quan đến khuyết điểm; viết cảm nhận, kiểm điểm về sự việc xảy ra; sưu tầm tài liệu, câu chuyện thực tế có nội dung liên quan đến khuyết điểm. Một số hình thức khác có thể áp dụng là yêu cầu vệ sinh trường lớp, trồng và chăm sóc cây, giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn.
Tùy tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi, nhà trường xem xét khiển trách, cảnh cáo, tạm dừng học tập trên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng với học sinh vi phạm. Tuy nhiên, các hình thức kỷ luật này chỉ áp dụng với học sinh cấp THCS và THPT, không dùng với cấp tiểu học.
Nếu như ở thông tư 08 năm 1988, mức kỷ luật cao nhất là "đuổi học một năm" thì dự thảo thông tư mới thay từ "đuổi học" thành "tạm dừng học tập trên lớp" với mức tối đa chỉ còn hai tuần. Học sinh phải chịu hình thức kỷ luật này khi đã bị cảnh cáo mà vẫn tái phạm, có hành vi đánh nhau có tổ chức; xâm phạm nhân phẩm, thân thể giáo viên, học sinh khác.
Về khen thưởng, dự thảo thông tư vẫn để các hình thức quen thuộc như tuyên dương trước lớp, trước toàn trường hay tặng giấy khen.
Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến với dự thảo này đến hết ngày 31/10.