"Trong lòng tôi có một nút thắt đã nhiều năm. Nhân tiện đọc bài 'Đổ bệnh vì sếp ái kỷ', tôi cũng tìm thấy điểm sáng cho vết gợn của mình. Nhiều năm qua, tôi vẫn luôn cố gắng kết nối với sếp cũ, nhưng chỉ nhận lại sự im lặng. Sếp chính là người tuyển tôi vào công ty và luôn ưu ái với tôi ngay từ những ngày đầu. Mọi người trong phòng đều thấy rõ điều đó.
Bản thân tôi cũng rất quý và lễ phép, nghe lời sếp. Có người còn gièm pha, cho rằng tôi nịnh sếp khi sẵn sàng ngồi lê la dưới sàn để giúp sếp thử giày. Nhưng thực sự, tôi làm điều đó vì tôi rất quý sếp chứ không hề cố ý nịnh nọt gì.
Tôi như một trợ lý thân tín, chỉ biết 'cắm đầu cắm cổ' làm bất kể ngày đêm, không màng thứ bảy hay chủ nhật, để kịp hoàn thành công việc cùng sếp. Và sếp cũng không bạc đãi tôi khi thỉnh thoảng lại ký một phiếu thưởng lúc tôi hoàn thành công việc. Cho tới một ngày sếp lớn thay đổi cơ cấu và cách làm việc khiến công ty xáo trộn, lòng người bất an.
Sếp thúc ép tôi làm việc nhiều hơn, kỹ lưỡng hơn. Dần dần tôi ngày càng mệt mỏi, căng thẳng. Thực ra, trước đó tôi đã phải làm việc nhiều hơn bình thường rồi. Nhưng giờ vì áp lực từ trên đè xuống nên sếp thường xuyên cáu gắt, mắng mỏ tôi. Từ chỗ mắng đúng đến mắng vô lý, mắng liên tục, ngày nào sếp cũng nhiếc móc tôi đủ điều.
Đến một hôm, bỗng nhiên tôi vô thức ngồi lẩm bẩm nói những lời hỗn xược tới một người nào đó. Mọi người đều ngạc nhiên nhưng không ai nói gì. Sếp nghe vậy cũng không mắng tôi nữa và sau đó sếp nghỉ việc. Tôi cũng nghỉ sau sếp mấy tháng vì công việc quá tải. Thú thật, tôi rất quý sếp nên ân hận mãi về những lời nói của mình lúc đó. Tôi không hiểu tại sao khi ấy mình lại làm như vậy?".
Đó là chia sẻ của độc giả Hoàng Anh về những căng thẳng trong công việc với sếp ái kỷ. Người mắc chứng này thường có tính tự cao, tự đại, luôn cho bản thân là đúng và thiếu sự đồng cảm, sẵn sàng miệt thị, xúc phạm người khác chỉ vì một điều không hài lòng, dù là nhỏ. Lãnh đạo ái kỷ sẽ gây nhiều áp lực, từ đó tạo stress, căng thẳng mãn tính cho nhân viên. Nếu các stress này lặp đi lặp lại, kéo dài mà không được giải tỏa, nguy cơ tạo nên các bệnh tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm, hưng cảm, cũng như các bệnh thể chất khác.
>> 'Không nghe điện thoại của sếp sau giờ làm'
Cùng chung hoàn cảnh có sếp ái kỷ, bạn đọc Plutino đồng cảm: "Tôi và sếp 'đồng cam cộng khổ' từ những ngày đầu vì học chung trường. Tôi không có nề hà bất cứ việc gì để hỗ trợ sếp. Từ lúc vào làm cùng công ty đến lúc sếp lên lãnh đạo thì việc sát cánh để hoàn thành công việc là thường xuyên. Bất kể giờ giấc, ngày đêm, tôi đều làm việc với tinh thần hết mình. Thế nhưng, khi lên vị trí cao, áp lực ngày càng lớn, sếp bắt đầu thay đổi, thường xuyên cáu gắt, mắng mỏ, nói xéo, hạ nhục tôi đủ điều.
Tôi không chấp nhận bị đối xử bất công nên yêu cầu được chuyển sang bộ phận khác. Nhưng sếp lại dùng ảnh hưởng của mình để làm khó tôi khắp nơi, nói rằng tôi đã 'phản bội'. Lúc đó, tôi cũng rơi vào trầm cảm nhưng may mắn tự thoát ra được. Sau này, sếp bị tố cáo quấy rối nhân viên dưới quyền và bị sa thải. Ngẫm lại, tôi thấy con người khi đạt đến tham vọng sẽ dễ mất kiểm soát, có hành động sai trái và đánh mất những gì đã rất vất vả mới có được".
Làm gì để đối phó với sếp ái kỷ? Độc giả Andiedo cho rằng: "Tôi ra trường, đi làm đến nay cũng được 14 năm, trải qua nhiều công ty, gặp nhiều kiểu sếp. Sự thật đáng buồn là tỷ lệ sếp có sếp 'toxic' khá phổ biến và đa phần thuộc thế hệ 7X, 8X. Hồi mới đi làm, tôi hay đấu tranh lại và kết quả thường là bị nhân phần thiệt về mình. Sau này lập gia đình, thêm gánh nặng cơm áo gạo tiền, khiến tôi thay đổi, chọn phương án vờ như câm, điếc mỗi khi sếp buông ra những lời hằn học, khó nghe.
Tôi cũng thường tìm đến thiền định để giúp giải tỏa tâm trạng, coi mỗi người cay nghiệt xuất hiện trong cuộc đời đều dạy cho mình một chữ 'nhẫn'. Nếu các bạn kiếm được chỗ tốt hơn thì hãy cứ ra đi để được giải thoát. Còn nếu không thì hãy thay đổi suy nghĩ của bản thân theo hướng tích cực nhất có thể. Không có lựa chọn nào là hoàn hảo chỉ có lựa chọn nào phù hợp với bản thân mỗi người mà thôi".
- Sếp dọa tôi thất bại vì nhảy việc ở tuổi 40
- Sếp đòi kiểm tra thiệp cưới khi nhân viên xin nghỉ phép
- Nhân viên 'non' chê sếp nói hay, làm dở
- Tư tưởng 'ban phát việc làm' của nhiều sếp Việt
- Cự tuyệt tin nhắn, cuộc gọi của sếp sau giờ làm
- Bốn lần bị sếp đánh giá bất tài, vô dụng