"Sai lầm thường thấy của các doanh nghiệp Việt là để người giỏi chuyên môn lên làm sếp, mà không rõ họ có tài lãnh đạo hay không? Như vậy là doanh nghiệp vừa thiếu một nhân viên giỏi, vừa tạo ra một sếp tồi. Người làm sếp tổng chỉ cần giỏi lãnh đạo, giỏi quản lý chung tất cả, chứ không cần giỏi chuyên môn cụ thể nào. Chỉ khi làm sếp của một bộ phận chuyên môn nhỏ, thì mới có khi cần giỏi cả chuyên môn để vừa làm trực tiếp vừa làm quản lý".
Đó là quan điểm của độc giả Tona về câu hỏi 'sếp có cần phải giỏi chuyên môn?'. Nhiều người cho rằng quản lý không bắt buộc phải giỏi giỏi hơn nhân viên về mọi mặt bởi các tiêu chuẩn cho từng cấp bậc sẽ không bao giờ giống nhau.
Đó cũng là nhận định của bạn đọc Nguyenminh: "Giỏi chuyên môn nghĩa là giỏi về một lĩnh vực họ làm. Còn lãnh đạo là một định nghĩa khác, là người có tầm nhìn, nhận xét thấu đáo, và trực giác quyết đoán, họ chỉ cần có hiểu biết về lĩnh vực của người giỏi chuyên môn. Nó giống như thầy và thợ. Thầy giỏi đào tạo thợ giỏi, nhưng thợ giỏi thì chưa chắc làm thầy giỏi (vì không có kỹ năng sư phạm), bù lại họ có kỹ năng thực hành tốt hơn thầy".
Trong khi đó, với suy nghĩ trái chiều, độc giả Trảm lại có cái nhìn khác về yêu cầu của một người lãnh đạo: "Tôi làm qua nhiều công ty lớn hoặc tập đoàn toàn cầu, gặp nhiều nhân sự cấp cao, nhưng tôi chưa thấy sếp nào giỏi quản lý mà không giỏi chuyên môn cả. Có thể họ không siêu giỏi như một số nhân viên nhưng vẫn là một người giỏi. Vì nếu sếp không nắm chắc vấn đề của chuyên môn khi xảy ra sự cố hoặc quy trình, khi có vấn đề xảy ra, họ sẽ thường đánh giá sai tầm quan trọng của sự cố và vấn đề, dẫn đến gây áp lực lên người xử lý một cách phi lý".
>> Nhiều người lầm tưởng 'cứ làm giỏi là phải được lên sếp'
Tán thành quan điểm trên, bạn đọc Quyền Nguyễn Xuân đề cao vai trò của người lãnh đạo: "Khi đi làm, nếu bạn không giỏi chuyên môn, thì sẽ chẳng ai để ý đến bạn có năng lực lãnh đạo quản lý hay không, nên khả năng cao là bạn sẽ bị bật bãi trước khi có cơ hội chứng tỏ năng lực lãnh đạo của mình. Giữa một nhân viên giỏi chuyên môn và một nhân viên không giỏi bằng, theo bạn, các lãnh đạo sẽ để ý đến ai, chọn ai làm quản lý? Mọi thứ cần đi từ thấp tới cao, nếu bạn không giỏi chuyên môn, sẽ không ai tin bạn là một quản lý giỏi. Thế nên, đừng ảo tưởng với suy nghĩ làm sếp không cần giỏi chuyên môn".
Nói về yêu cầu dành cho một người quản lý giỏi, độc giả Thanhnam kết lại: "Người giỏi chuyên môn thì người ta thường để làm nhân viên, trực tiếp tham gia công việc, thay vì để làm quản lý công việc chung rồi làm mất đi luôn một nhân tài. Chủ doanh nghiệp thường không có chuyên môn và họ đi mời chuyên gia về làm cho mình.
Làm quản lý không đòi hỏi bạn là chuyên gia, mà phải biết nhiều thứ để nắm bắt báo cáo, gắn kết các bộ phận lại với nhau. Hơn hết những 'Jack all Trade' thường có phong cách phóng khoáng, chắc chắn được lòng nhiều nhân viên hơn một cán bộ hay xét nét chuyên môn.
Lãnh đạo sẽ để ý những người có năng lực quản trị, giao tiếp, điều này có thể được thử thách qua nhiều cách (như mời họ đi dự tiệc). Đôi lúc, bạn không phục quản lý của mình và tự hỏi không biết tại sao anh ta có vị trí đó dù chuyên môn không bằng mình, chỉ được cái hoạt ngôn. Xin thưa, đó là vì bạn còn quá 'non' trong suy nghĩ. Người ta cho bạn lên làm quản lý không phải là để bạn tự làm mọi việc như nhân viên, chính bạn là người điều phối, nắm bắt báo cáo, tiến độ để đánh giá rồi trình lên trên chứ không ai cần bạn tự làm việc như nhân viên cả".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Những nhân viên chê sếp bất tài
- Lên sếp nhờ 25 năm làm đúng chuyên môn
- Sếp ngoại có cần bằng cấp đúng chuyên môn?
- Lên sếp vì 'việc gì cũng làm'
- 'Ảo tưởng sức mạnh của nhiều nhân viên Gen Z'
- Bốn lần bị sếp đánh giá bất tài, vô dụng