Ngày hôm qua, khi đang lướt Facebook tìm ý tưởng cho công việc, tôi vô tình đọc được một bài viết với tiêu đề: "Quy tắc 4-4-4 để không hối hận tuổi 30". Bài viết khiến tôi phải nghiền ngẫm, cầm bút lên và viết ra những dòng suy nghĩ này của mình. Nghe tiêu đề thì có lẽ nhiều bạn sẽ nghĩ ngay đây là một bài viết self-help đúng không ạ? Những không hẳn là như vậy. Bài viết chính là miêu tả về ba giai đoạn tuổi trẻ của một phần đông người từ 18-30 tuổi và những thông điệp mang tính khích lệ và động viên. Tôi xin được vừa liệt kê cũng như vừa chia sẻ về chính mình ở đây.
Giai đoạn đầu tiên là bốn năm đại học (chọn hạt giống) - 18-22 tuổi: Bạn tự hào về chính mình, bạn mơ mộng, tự tin bước vào cánh cửa đại học đầy mầu hồng... Để rồi nhiều bạn ngủ quên trên chiến thắng và xao nhãng dần việc học tập. Chính tôi cũng thấy hình ảnh của mình trong đó. Thời đi học đại học , tôi đã nghĩ rằng mình không hợp với ngôi trường này, nhưng bên cạnh đó, đối với những người khác, tôi lại có chút tự hào và hãnh diện khi được học ở một trường lớn, có chút tiếng tăm.
Vì vậy mà ngay từ năm nhất, tôi đã xao nhãng chuyện học tập, và tất nhiên, bốn năm đại học của tôi trôi qua khá bết bát, trượt vài môn, chật vật mới ra được khỏi trường với tấm bằng loại Khá và một cái đầu (có lẽ là) gần như rỗng tuếch. Viết đến đây , thú thực tôi có chút xấu hổ. Nhưng cái gì đã là quá khứ thì chỉ nên cất gọn vào một chỗ đúng không nào?
Giai đoạn thứ hai là bốn năm sau đại học (gieo mầm) 22-26 tuổi: Có một câu mà tôi nhớ mãi: "Thời gian rủi ro, thất bại, gian nan, khó khăn, khổ cực, đều quy tụ hết về đây". Tôi chính là như vậy. Có lần, để khích lệ một người em sinh năm 2000 mà tôi làm hướng dẫn bị suy sụp tinh thần, stress khi làm việc không tốt, bị sếp la, tôi đã đem hết những tâm sự luôn được giấu kín trong cuộc đời mình để kể với em ấy. Đó là những công ty, những người sếp, những câu nói vô cùng tổn thương mà tôi "hân hạnh" được trải qua ở những năm tháng gieo mầm này.
Công việc đầu tiên, khi ấy là năm 4 đại học, tôi làm phục vụ bàn ở một quán ăn nhỏ được hai tháng. Tôi bưng bê đồ chậm, order đồ sai, quên khách, quên đồ, quên đủ thứ, lại còn không nhớ nổi cả mấy lọ gia vị, bát đũa, chanh ớt đặt ở đâu... Đồng nghiệp khi đó còn bảo tôi: "Sao chị thế này mà cũng thi được vào trường đó nhỉ?". Tôi sượng trân và cảm tưởng mình như một chú hề ngu ngốc trước mặt mọi người. Lúc đó, tôi chỉ biết cười trừ ngại ngùng. Nhưng đó chính là tổn thương trong công việc đầu đời của tôi.
Công việc thứ hai tôi bắt đầu ngay khi chuẩn bị ra trường, đó là làm lễ tân một khách sạn nhỏ gần sân bay. Kỳ thực, tôi chỉ muốn đi làm để lấy thêm chút kinh nghiệm cũng như rèn luyện tiếng Anh. Ở đây, tôi cũng bị chị quản lý la mắng rất nhiều. Đến lúc sắp nghỉ, anh chủ khách sạn còn nói một câu mà tôi nhớ mãi: "Anh có cảm giác ba tháng qua như bị lừa".
>> 'Ám ảnh sếp bắt họp 65 lần một tháng'
Công việc thứ ba, tôi làm nhân viên Sales & Marketing tại một công ty dịch vụ trong sân bay. Đây cũng chính là công ty nền móng dẫn tôi đến với ngành Marketing. Ở đây, tôi cũng bị la mắng rất nhiều. Nhưng dù sao tôi cũng đã quen với việc bị mắng, đã có sức chịu đựng tốt hơn từ hai công việc trước đó rồi.
Ở công ty này, tôi vừa làm sale, vừa làm một số công việc như quản trị fanpage, viết content, thiết kế một vài hình ảnh đơn giản để đăng Facebook. Biết mình yếu kém, tôi còn tham gia mấy khóa học về marketing và thiết kế để trau dồi thêm kiến thức, cố gắng hết sức để công việc trở nên tốt hơn, sếp không còn phiền lòng về mình nữa.
Nhưng rồi đâu vẫn vào đấy. Đó cũng là lúc tôi thấy quá áp lực, và mong được nhanh chóng biến ngay khỏi chỗ đó, không chừa một giây phút nào nữa. Tôi đệ đơn xin nghỉ việc và cũng bày tỏ rằng mình mong muốn được chuyển hướng làm chuyên môn về Digital Marketing. Và chị sếp cũ của tôi phán một câu rằng: "Mày không làm được ở đây thì cũng không có nơi nào khác dám nhận đâu". Và tôi đã kết thúc tám tháng làm việc ở đây với một trái tim đầy sự tổn thương như thế.
Công việc thứ tư cũng là việc tôi đã gắn bó trong thời gian lâu nhất – hơn ba năm. Trong khoảng thời gian đầu, tôi được sếp quản lý tâm sự rất nhiều. Sếp còn nói rằng: "Sao bằng tuổi em, mà A và B (đồng nghiệp cùng phòng tôi) lại khác thế? Các bạn ấy làm tốt hơn em rất nhiều". Nghe có vẻ câu này nhẹ nhàng hơn hai sếp trước nhưng sự so sánh mới chính là thứ khiến tôi tổn thương và mặc cảm rất lâu về sau.
Lúc đó là đỉnh điểm của sự hoài nghi của tôi về chính bản thân mình. Tôi tự hỏi, tại sao mình lại dốt nát, ngu ngốc đến như vậy? Có lẽ tôi là kém cỏi, chậm hiểu nhất. Có lẽ tôi lại nên nghỉ việc và xin làm một công việc chân tay nào đó như làm công nhân chẳng hạn bởi công việc đầu óc không phải là thứ dành cho mình. Nhưng rồi tôi lại nghĩ lại, công nhân người ta cũng nhanh nhẹn, tháo vát lắm chứ bộ. Liệu một đứa ù lỳ, chậm chạp như mình có làm nổi hay không?
Có lẽ khoảng thời gian đó, tôi đã bị trầm cảm nhẹ. Nhưng cũng chính thời gian này, tôi tìm được đến với sách, để học, đọc và hiểu, trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng. Tôi tham gia những hội nhóm chia sẻ kiến thức, tham gia những khóa học kể cả miễn phí lẫn mất phí để có được cái nhìn sâu rộng hơn về ngành nghề mình theo đuổi. Và tôi, cũng may mắn tìm được những con người cùng chí hướng, một vài "mentor" giỏi giang giúp tôi vực dậy và vững tin hơn sau những cú vấp ngã đau đớn đầu đời này.
>> Nhiều người thiếu bản lĩnh từ chối khi bị sếp giao việc cuối tuần
Mọi sự cứ như thế mà tốt đẹp dần lên, từng chút một. Sếp dần tin tưởng tôi hơn, đồng nghiệp dần thân thiết và yêu quý tôi hơn. Có hai người ở giai đoạn này mà tôi nghĩ sẽ không bao giờ quên và luôn thầm biết ơn họ, đó là một chị đồng nghiệp và người bạn trai (cũng là chồng tôi bây giờ).
Chị đồng nghiệp vào công ty sau tôi hai năm. Tuy chỉ được tiếp xúc và làm việc với chị trong khoảng gần một năm nhưng đây là người đã thay đổi một phần phong cách làm việc của tôi. Chị là người hoạt bát, cá tính, vui vẻ, thẳng tính nhưng cũng rất tinh tế. Tôi có cảm giác rằng chị ấy rất có chính kiến và mạnh mẽ, tràn đầy năng lượng, luôn biết mình cần gì và muốn gì – cũng chính là hình mẫu mà tôi cố gắng muốn trở thành. Tôi và chị khá thân thiết, tôi thường tâm sự với chị để được cho những lời khuyên. Ở bên cạnh chị, tôi có cảm giác được chữa lành.
Và người thứ hai là chồng tôi bây giờ. Anh luôn bao dung, nhẹ nhàng với tôi. Anh khiến tôi vui vẻ và hạnh phúc, cũng là người góp phần mang đến cho tôi nhiều kiến thức liên quan trong công việc, khích lệ và tiếp nối cho ước mơ trong tôi ngày càng to lớn và bung nở hơn.
Và hiện tại, tôi ở tuổi 26, bước vào giai đoạn thứ ba của tuổi trẻ (bốn năm chạy nước rút, đâm chồi và phát triển) - 26-30 tuổi: Tôi đã tự tin hơn, được nhiều người tin tưởng hơn và chập chững bước những bước chậm nhưng thật vững chãi trên con đường tiến đến ước mơ, đến với những mục tiêu mà chính mình đặt ra. Có lẽ, sẽ còn nhiều trở ngại và thách thức, nhưng tôi không ngại. Bởi tôi tin vào chính mình. Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi. Tất cả sẽ vào quỹ đạo của chính nó.
Tôi viết những dòng này để dành cho những người trẻ, như tôi. Tôi mong các bạn hãy cứ vững tin, cứ hoài bão trên con đường mình đã chọn. Nếu có hoài nghi chính mình, thì hãy nhún vai rằng đó cũng chỉ là "chuyện thường ở huyện thôi". Rồi sau mỗi lần vấp ngã, hãy đứng dậy, và bước tiếp. Khi bạn tin vào điều gì và cố gắng, bạn sẽ đạt được mục tiêu. Bạn không dốt, không hề ngáo ngơ, không phải IQ thấp, chỉ là có thể đây chưa phải là thời điểm của bạn, hoặc đó chưa phải là nơi bạn thuộc về. Vậy thôi!
Cố gắng, thay đổi và tin vào chính mình, đó là tất cả những gì tôi cần phải làm để tuổi trẻ của chính mình trở nên đáng giá. Và tôi nghĩ rằng các bạn cũng vậy. Chúc các bạn sẽ luôn vững bước và thành công.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.