Sỏi thận được tạo ra khi lượng nước tiểu ít nhưng nồng độ khoáng chất như canxi, phosphate trong nước tiểu tăng cao gây lắng đọng ở thận, lâu ngày kết lại thành sỏi.
TS.BSCC Mai Thị Hiền, Phó khoa Tiết niệu - Nam học và Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết trong các loại sỏi thận, canxi oxalat là phổ biến nhất, thường gặp ở khoảng 60-70% người bị sỏi tiết niệu. Loại sỏi này cứng, khó bị tán vỡ bằng kỹ thuật tán sỏi ngoài cơ thể, do đó thường phải can thiệp bằng tán sỏi qua da hoặc dùng laser bắn vỡ sỏi qua nội soi niệu quản - bể thận ngược dòng.
Sỏi canxi oxalate hình thành khi canxi liên kết với một hợp chất tự nhiên gọi là oxalate, có nhiều trong rau bina (cải bó xôi), hạnh nhân, củ cải đường, quả mâm xôi... Nhiều người cho rằng giảm canxi và oxalate trong chế độ ăn uống giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi thận. Cũng tương tự, có quan điểm ngưng sử dụng sữa hoặc các chế phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai...) để ngăn sỏi thận do chúng chứa nhiều canxi.
Theo Tiến sĩ Hiền, đây là quan niệm sai lầm. Khi nạp thêm canxi, cơ thể sẽ tiêu hóa nó cùng oxalate trong ruột trước khi đến thận, làm giảm nguy cơ hình thành sỏi thận. Ngược lại nếu thiếu canxi, cơ thể phải giải phóng canxi từ xương và có thể bài tiết qua nước tiểu. Bên cạnh đó, oxalate không được hấp thụ đúng cách tại ruột sẽ đi vào nước tiểu, tăng khả năng liên kết với canxi tại đây, từ đó hình thành sỏi thận. Ngoài ra, kiêng hoàn toàn canxi còn gây mất cân bằng dinh dưỡng, tăng nguy cơ loãng xương.
Tuy nhiên, nếu nạp quá nhiều canxi, gây dư thừa cũng sẽ góp phần hình thành sỏi thận. Vì vậy mọi người nên có chế độ dinh dưỡng cân bằng. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy nguy cơ tăng sỏi thận khi bổ sung canxi dưới dạng thuốc, thực phẩm chức năng. Nếu bổ sung canxi thông qua thực phẩm tự nhiên sẽ giúp làm giảm nguy cơ sỏi thận.
Mọi người có thể đáp ứng nhu cầu canxi của cơ thể thông qua việc sử dụng các loại thực phẩm như trứng, các loại hạt, hải sản có vỏ, đặc biệt là sữa và các chế phẩm từ sữa. Việc sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng chỉ thực sự cần thiết khi có chỉ định của bác sĩ.
Tiến sĩ Hiền cho biết, canxi trong sữa là dạng dễ hấp thu, nếu sử dụng không đúng cách có thể bị dư thừa. Vì vậy, dù không kiêng sữa hoàn toàn, người đã từng bị sỏi thận hoặc nguy cơ cao có sỏi thận nên lưu ý:
Không uống sữa vào buổi tối trước khi đi ngủ
Ở trạng thái ngủ say, tốc độ tuần hoàn chậm lại, lượng nước tiểu giảm, nồng độ các chất thải trong nước tiểu tăng lên, nước tiểu trở nên đặc hơn. Sau khi ngủ khoảng hai đến ba giờ, canxi được bài tiết qua thận cao nhất làm nước tiểu càng đậm đặc. Nếu uống sữa trước khi ngủ, nồng độ canxi qua thận nhiều, dễ lắng đọng và tạo thành sỏi.
Vì vậy người bị sỏi thận không nên uống sữa trước khi đi ngủ để tránh tạo sỏi mới hoặc khiến sỏi cũ nhanh to.
Không uống chung với chocolate
Sữa và chocolate đều chứa nhiều chất dinh dưỡng, giàu năng lượng tốt cho sức khỏe nhưng nếu sử dụng cùng lúc có thể gây bất lợi. Hàm lượng canxi trong sữa có thể kết hợp với axit oxalic trong chocolate, tạo thành hợp chất calcium oxalate có hại cho cơ thể. Nếu uống sữa cùng với chocolate lâu dài sẽ gây thiếu canxi, tăng tỷ lệ hình thành sỏi thận. Ở trẻ em, có thể xảy ra tình trạng tiêu chảy, tóc khô, xương yếu, chậm phát triển.
Bổ sung theo hàm lượng được khuyến nghị
Để tránh nguy cơ sỏi thận, mọi người nên chú ý sử dụng sữa bổ sung theo lượng hợp lý, tránh tình trạng dư thừa canxi. Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, tổng lượng canxi nạp vào cơ thể từ thức ăn, sữa và các thực phẩm bổ sung khác (thuốc, thực phẩm chức năng) người trưởng thành 20 - 49 tuổi cần 800 mg/ngày, người 50 - 69 tuổi là 800 mg/ngày đối với nam, 900 mg/ngày đối với nữ, người trên 70 tuổi cần .1000 mg/ngày, đặc biệt phụ nữ có thai và cho con bú cần 1.200 - .1300 mg/ngày.
Theo đó, mọi người có thể linh hoạt sử dụng mỗi ngày khoảng 2- 3 cốc sữa tươi loại 200 ml (mỗi cốc sữa tươi chứa khoảng 240 mg canxi), bổ sung một hũ sữa chua (một hũ sữa chua 125g chứa khoảng 200 mg canxi). Đồng thời, nên uống 2,5 - 3 lít nước/ngày, chia đều lượng nước trong ngày để tránh nước tiểu bị cô đặc; hạn chế các loại nước có ga; ăn nhiều rau xanh và chất xơ; tránh ăn mặn; hạn chế ăn đạm động vật; tập luyện thể dục; duy trì cân nặng hợp lý. Với người bị sỏi thận, nên được kiểm tra sức khỏe với xét nghiệm nước tiểu và siêu âm thận định kỳ mỗi 3-6 tháng hoặc theo chỉ định của bác sĩ để có kế hoạch điều trị phù hợp.
Trịnh Mai