BS.CKI Nguyễn Thị Kim Dung, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết chàm đồng tiền còn có tên gọi khác là chàm hình xu, viêm da thể đồng tiền hoặc chàm dạng đĩa.
Chàm đồng tiền có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, nhưng ít thấy ở da mặt và da đầu. Biểu hiện của bệnh là nổi các nốt sần đỏ, sưng tấy như vết côn trùng cắn, ngứa nhiều vào ban đêm, phồng rộp được bao phủ bởi các mụn nước nhỏ li ti. Các nốt sần nhanh chóng liên kết với nhau tạo thành mảng lớn có kích thước từ vài mm đến vài cm. Theo thời gian, các mảng khô đóng vảy, bong tróc trở nên sần sùi, sưng mềm hoặc đau, vùng da ở giữa khô nhăn, ửng đỏ.
Bác sĩ Kim Dung cho biết, hiện chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây chàm đồng tiền, tuy nhiên bệnh thường liên quan đến các yếu tố như dị ứng; nhiễm khuẩn (khuẩn Staphylococcus...); tiếp xúc với các loại vải thô; da bị khô hoặc ngồi nhiều ở môi trường khô lạnh; hay tắm nước nóng; tổn thương da (vết bỏng, vết xước, vết đốt của côn trùng); sử dụng xà phòng gây kích ứng làm khô da.
Trong quá trình sinh hoạt, vùng da bị bệnh dễ tổn thương, chảy mủ hoặc tiết dịch lỏng trong suốt. Do đó, nhiều người lo ngại nếu tiếp xúc với dịch tiết sẽ bị lây bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, bệnh chàm đồng tiền không lây nhiễm, bởi nguyên nhân gây bệnh do yếu tố nội tại hoặc cơ thể tự phát sinh như di truyền; cơ địa dễ dị ứng; hệ miễn dịch yếu; rối loạn hệ bài tiết; căng thẳng... Ngoài ra, ở lâu trong môi trường lạnh khô; vết côn trùng cắn; tiếp xúc với các hóa chất độc hại; sử dụng các loại thuốc có thành phần isotretinoin, interferon,... cũng dễ gây chàm đồng tiền.
Để phòng ngừa bệnh chàm đồng tiền, cần lưu ý tránh sử dụng các sản phẩm dễ gây kích ứng cho da như bột giặt chứa hương thơm hoặc thuốc nhuộm. Hạn chế mặc quần áo chật và các loại vải gây khó chịu. Nếu bị tổn thương da, hãy sát khuẩn vùng da và băng lại.
Dưỡng ẩm da bằng các sản phẩm dưỡng ẩm dịu nhẹ hoặc thuốc mỡ. Tránh tắm nước nóng quá lâu. Tránh kỳ cọ mạnh làm vùng da dễ trầy xước.
Hạn chế ăn hải sản có vỏ, thực phẩm nhiều đường, không ăn thực phẩm sống (tiết canh, gỏi thịt, hải sản sống...), không nên ăn cà pháo và măng chua. Hạn chế các thực phẩm dễ gây ngứa như trứng, thịt gia cầm...
Người đang điều trị chàm đồng tiền cũng nên kiêng các thực phẩm dễ gây sẹo như rau muống, gạo nếp, bắp, cua, tôm... Không sử dụng sản phẩm có chứa chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia, cà phê...
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Dung lưu ý, chàm đồng tiền gây tổn thương da nên dễ nhầm thành bệnh hắc lào hay lác đồng tiền. Việc phòng ngừa bệnh rất khó nên những người có cơ địa hay dị ứng cần chăm sóc và bảo vệ da kỹ hơn.
Khi xuất hiện các triệu chứng chàm đồng tiền, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu - thẩm mỹ da để được khám và điều trị sớm. Nếu để lâu không điều trị, bệnh sẽ kéo dài, gây khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống.
Đinh Tiên