Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, mụn ẩn là mụn phát triển dưới bề mặt da, thường do u nang hoặc nốt sần gây ra, không có đầu mụn. Khác với mụn đầu trắng và mụn đầu đen, mụn ẩn phát triển gần bề mặt da hơn. Đa số mụn ẩn khó nhìn thấy bằng mắt mà chỉ sờ thấy cộm trên da. Vùng da chứa mụn ẩn thường có cảm giác đau, hơi viêm, đỏ.
"Chìa khóa" để phòng ngừa mụn ẩn là xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, lối sống điều độ và vệ sinh, chăm sóc da thường xuyên.
Về chế độ ăn uống, hạn chế những món ăn cay nóng, nhiều đường hoặc nhiều dầu mỡ, chú trọng bổ sung thực phẩm chứa omega 3, omega 6, vitamin... vào các bữa ăn; hạn chế sử dụng các loại đồ uống chứa caffein và chất kích thích như cà phê, rượu, bia...
Một lối sống điều độ cũng giúp phòng ngừa mụn ẩn, bao gồm sinh hoạt điều độ, hạn chế thức khuya; hạn chế dùng tay chưa được vệ sinh sạch sẽ để chạm lên mặt.
Bên cạnh đó, mọi người cần chú ý vệ sinh, chăm sóc da bằng cách rửa mặt hai lần mỗi ngày và đảm bảo vệ sinh cơ thể sạch sẽ sau khi tập thể dục hoặc trong điều kiện thời tiết nóng bức.
Mọi người cần tìm hiểu, sử dụng các loại mỹ phẩm lành tính, không gây kích ứng da, hạn chế dùng mỹ phẩm có cồn. Chú ý sử dụng kem, nón, quần áo chống nắng khi đi ra đường vào các buổi sáng, trưa, chiều.
Cũng theo các chuyên gia, sự thay đổi, rối loạn nội tiết tố là nguyên nhân hàng đầu gây nên mụn ẩn. Thay đổi nội tiết tố kích thích tuyến bã nhờn sản sinh lượng lớn dầu nhờn, kết hợp với tế bào chết và bụi bẩn từ môi trường bên ngoài để hình thành nhân mụn ẩn. Ngoài ra, gan không khỏe, suy giảm chức năng cũng khiến việc lọc chất độc kém hiệu quả hơn, là nguyên nhân gián tiếp khiến mụn ẩn xuất hiện.
Một số tác động từ môi trường như nhiệt độ cao, nhiều bụi bẩn, dầu mỡ sẽ gây kích ứng da và phát sinh mụn ẩn. Vệ sinh da không đúng cách gây nên tình trạng bít tắc lỗ chân lông và tạo cơ hội cho mụn ẩn xuất hiện. Da cần được vệ sinh sạch sẽ, kết hợp tẩy trang và rửa mặt để loại bỏ toàn bộ nguyên nhân chính gây mụn ẩn như tế bào da chết, tạp chất thừa trong các loại mỹ phẩm và bụi bẩn...
Khoảng 50-80% trường hợp mụn ẩn tự hết sau vài tuần đến vài tháng. Tuy nhiên, mụn tồn tại càng lâu sẽ để lại càng nhiều tổn thương cho lớp mô bên dưới. Với một số người, mụn ẩn khi tổn thương dẫn đến tăng sắc tố (sẹo màu hồng, đỏ hoặc nâu). Ở những người khác, mụn ẩn tồn tại lâu ngày không được điều trị có nhiều khả năng tiến triển thành mụn trứng cá, gây ra sẹo rỗ hoặc sẹo teo. Sẹo teo thường xuất hiện dưới dạng một hố hoặc vết lõm do tổn thương collagen trên da.
Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích khuyến cáo, việc nặn mụn không đẩy nhanh quá trình chữa lành mụn, thậm chí gây ra tình trạng viêm nhiễm nặng hơn, làm to và đẩy nhân mụn vào sâu hơn, tạo nên các vết thâm sau viêm.
Với trường hợp mụn ẩn bị sưng, viêm hoặc thời gian dài không thuyên giảm, mọi người nên đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da khám, điều trị. Hiện, một số phương pháp phổ biến bao gồm: sử dụng thuốc kháng sinh tại chỗ (kháng sinh bôi ngoài da) để loại bỏ vi khuẩn gây ra mụn ẩn, giảm viêm. Benzoyl Peroxide có tác dụng làm khô nhân mụn, sử dụng kèm với kháng sinh tại chỗ giúp tăng hiệu quả điều trị.
Trường hợp số lượng mụn ẩn quá nhiều hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng và chuyển thành mụn trứng cá, mụn viêm, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh đường uống.
Bảo Nghi