Trả lời:
Môi khô nứt nẻ là tình trạng môi bong tróc, khô hoặc nứt ra, xuất hiện ở một hoặc cả hai môi, gây đau, thậm chí chảy máu. Nứt môi không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, đôi môi nứt nẻ có thể đi kèm với các triệu chứng khác như vết loét do nhiễm virus herpes simplex, nhiễm trùng, nhiễm nấm gây khô miệng, đỏ, nóng, mụn mủ hoặc sưng môi.
Độ ẩm thay đổi, thời tiết lạnh, hanh khô là nguyên nhân phổ biến khiến môi nứt nẻ. Tình trạng này còn xuất phát từ những yếu tố như nhiễm trùng, nhiễm nấm; làm việc thường xuyên trong môi trường ô nhiễm, chứa nhiều khói bụi và hóa chất độc hại; tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời; cơ thể mất nước; thừa vitamin A. Phản ứng dị ứng; tác dụng phụ của thuốc; thói quen liếm, cắn môi; mắc các bệnh về tuyến giáp, bệnh Crohn... cũng có thể gây khô môi.

Khi môi khô, tránh liếm môi, cắn môi làm tình trạng nghiêm trọng hơn. Ảnh: Freepik
Tùy từng nguyên nhân gây khô môi mà có cách điều trị phù hợp. Nếu khô môi do thuốc điều trị, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ để khắc phục tác dụng phụ hoặc đổi thuốc khác. Trường hợp môi khô do thiếu hụt một số dưỡng chất, người bệnh nên điều chỉnh lại chế độ ăn uống.
Môi khô, nứt nẻ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, không chỉ riêng mùa đông. Tuy nhiên, nếu biết cách chăm sóc, mọi người vẫn có đôi môi mềm mại. Bạn nên lựa chọn son dưỡng môi không gây kích ứng, chứa các hoạt chất dưỡng ẩm cao như dầu khoáng, dầu quả bơ, bơ hạt mỡ... Sản phẩm không chứa paraben hoặc hương liệu; có thể có khả năng chống nắng với chỉ số SPF tối thiểu 30, chứa oxit titan và oxit kẽm.
Thoa dưỡng ẩm môi thường xuyên, ít nhất ba lần mỗi ngày. Bạn nên ngưng sử dụng son dưỡng ngay khi gặp tình trạng kích ứng, bỏng rát, châm chích hoặc ngứa ran, đến gặp bác sĩ da liễu - thẩm mỹ da để kiểm tra, điều trị sớm.
Uống 1,5-2 lít nước mỗi ngày giúp tăng độ ẩm và duy trì độ đàn hồi cho da, ngăn khô môi. Khi môi khô, người bệnh thường làm ướt môi bằng cách liếm, nhưng điều này sẽ khiến môi thêm trầm trọng. Bên cạnh đó, cắn môi cũng dễ gây kích ứng, khiến vết thương lâu lành.
Nếu đã áp dụng những cách trên nhưng môi vẫn khô, nứt nẻ trong 2-3 tuần, người bệnh nên đến gặp bác sĩ da liễu - thẩm mỹ da để thăm khám và khắc phục triệu chứng.
BS.CKI Nguyễn Thị Kim Dung
Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM