Bọng mắt có thể hình thành do dị ứng, chế độ ăn uống, di truyền, lão hóa... Tùy nguyên nhân mà có thể loại bỏ bọng mắt hoặc giảm nhẹ tình trạng này bằng một số biện pháp tại nhà hoặc thủ thuật y tế.
Cải thiện giấc ngủ
Bọng mắt xuất hiện có thể do ngủ muộn, ngủ kém hoặc không đủ giấc. Bước đầu tiên để giảm bọng mắt là đảm bảo ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm và không gián đoạn giấc ngủ. Kiểm soát các tình trạng tiềm ẩn ảnh hưởng đến giấc ngủ như ngưng thở khi ngủ nếu có. Kê gối để đầu hơi cao hơn phần còn lại của cơ thể khi ngủ, giúp ngăn ngừa tích tụ chất lỏng ở vùng da dưới mắt, giảm sưng.
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Những thực phẩm ăn vào có thể tăng nguy cơ hình thành bọng mắt hoặc giảm tình trạng này.
Giảm lượng muối nạp vào cơ thể: Ăn uống lành mạnh, ít muối nếu bạn dễ bị tích nước, giúp ngăn ngừa bọng mắt.
Tăng cường thực phẩm giàu sắt: Thiếu sắt góp phần gây bọng mắt, thâm mắt.
Ăn thực phẩm giàu collagen: Mất collagen cũng có thể hình thành quầng thâm dưới mắt. Ăn thực phẩm như thịt gia cầm, rau lá xanh và nước dùng xương có thể hữu ích.
Tránh uống rượu: Rượu khiến ngủ không ngon giấc, dễ xuất hiện bọng mắt.
Điều chỉnh lượng nước uống: Uống đủ nước trong ngày nhưng hạn chế lượng chất lỏng trước khi đi ngủ. Uống quá nhiều chất lỏng vào cuối buổi tối có thể dẫn đến tình trạng giữ nước qua đêm.
Bỏ thuốc lá
Hút thuốc có thể khiến da lão hóa sớm, dẫn đến nếp nhăn và bọng mắt. Không hút thuốc lá hoặc cai hút thuốc còn giúp giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh lý.
Kiểm soát dị ứng
Dị ứng gây tắc nghẽn mũi hoặc xoang cũng làm tăng nguy cơ hình thành bọng mắt. Tắc nghẽn có thể khiến máu ứ đọng trong các mao mạch dưới mắt, dẫn đến bọng mắt và quầng thâm. Tránh xa các chất gây dị ứng càng nhiều càng tốt, dùng thuốc kháng histamine nếu cần.
Kiểm tra tuyến giáp
Các bệnh tuyến giáp như tăng hoặc giảm sản xuất hormone tuyến giáp như cường giáp, suy giáp có thể gây ra bọng mắt hoặc quầng thâm dưới mắt. Nếu đi kèm với các triệu chứng khác, bọng mắt có thể là dấu hiệu của bệnh Graves, một bệnh tuyến giáp ảnh hưởng đến mắt. Các triệu chứng khác liên quan đến bệnh Graves ở mắt bao gồm đau, đỏ, lồi mắt, kích ứng và khô. Ở giai đoạn sau, bệnh có thể gây ra các vấn đề về thị lực.
Đắp mắt
Đắp gạc lạnh hoặc chườm đá có thể giảm sưng và phù nề dưới mắt thỉnh thoảng xảy ra. Một số nghiên cứu cho thấy đắp túi trà xanh hoặc trà đen dưới mắt giúp giảm viêm. Ngoài ra, đắp một lát dưa chuột lạnh dưới mỗi mắt cũng góp phần săn chắc vùng da này.
Chăm sóc da
Chăm sóc da tốt có tác dụng cải thiện tổng thể làn da, bao gồm cả vùng da dưới mắt. Tẩy trang và rửa mặt sạch bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ, không gây kích ứng trước khi đi ngủ, bởi lớp trang điểm và bụi bẩn dễ kích ứng da, dẫn đến bọng mắt xuất hiện.
Thoa kem chống nắng hằng ngày để tránh tia cực tím gây tổn thương, làm da yếu đi và chảy xệ sớm hơn. Sử dụng các sản phẩm làm sáng da như huyết thanh vitamin C, thúc đẩy sự phát triển của collagen và giảm nếp nhăn quanh mắt. Tuy nhiên, cẩn thận khi dùng sản phẩm xung quanh vùng mắt vì vùng này rất nhạy cảm.
Nếu các phương pháp trên không hiệu quả, bạn có thể đến bác sĩ da liễu - thẩm mỹ để được tư vấn thủ thuật y tế như lăn kim thúc đẩy sản xuất collagen. Ánh sáng xung cường độ cao cũng có thể loại bỏ tăng sắc tố để da đều màu. Tiêm filler (chất làm đầy) vào vùng dưới mắt giúp làm mịn vùng dưới mắt. Peel da (lột da bằng hóa chất) có tác dụng loại bỏ các lớp da bên ngoài để da sáng và căng hơn. Chiếu tia laser vào vùng da dưới mắt cũng thúc đẩy tế bào phát triển, săn chắc da. Phẫu thuật thẩm mỹ cắt mí mắt để cải thiện vùng dưới mắt.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu - thẩm mỹ da tại đây để bác sĩ giải đáp |