Vảy nến là bệnh viêm hệ thống mạn tính không lây, diễn tiến từng đợt. Bệnh xảy ra khi các tế bào da được thay mới nhanh hơn bình thường (khoảng 28 ngày), gây tích tụ tế bào da, tạo ra các mảng bong tróc, sần sùi phủ đầy vảy. Bệnh có thể gây đau và ngứa dữ dội.
Thói quen chăm sóc da là một phần quan trọng để kiểm soát triệu chứng vảy nến. Sản phẩm bôi lên da gây khô da hoặc kích ứng đều có thể làm triệu chứng tồi tệ hơn. Hàng rào bảo vệ da bị phá vỡ có thể khiến da nhạy cảm, dễ bị các tác nhân bên ngoài xâm nhập. Phản ứng miễn dịch kết hợp tình trạng viêm sẵn có do bệnh vảy nến gây đau, ngứa càng bùng phát nặng hơn. Áp dụng cách chăm sóc da thân thiện với bệnh vảy nến dưới đây có thể giảm viêm, đau và ngứa.
Nên tránh
Người bệnh vảy nên tránh thói quen không có lợi như tắm nước nóng lâu (hơn 10 phút), chà xát da mạnh, cạo râu bằng lưỡi cùn hoặc tì mạnh, tẩy lông thường xuyên. Đôi khi rửa mặt quá nhiều, ngay cả bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ, cũng có thể gây kích ứng.
Tránh dùng bất kỳ sản phẩm nào chứa các thành phần có khả năng làm mất độ ẩm trên da hoặc chứa các hóa chất mạnh. Kiểm tra kỹ bảng thành phần trước khi sử dụng sản phẩm mới và theo dõi các triệu chứng sau đó. Các thành phần trong sản phẩm chăm sóc da cần lưu ý với bệnh vảy nến bao gồm chất tạo hương thơm, cồn, natri lauryl sunfat, amoni lauryl sunfat.
Nhiều thành phần có thể làm trầm trọng thêm vảy nến tùy vào công thức và tần suất sử dụng. Ví dụ, một số loại tinh dầu có thể có lợi khi điều trị vảy nến, nhưng bôi quá nhiều hoặc sử dụng công thức kém tinh khiết dễ khiến bệnh nặng hơn.
Axit salicylic là một ví dụ khác về thành phần có thể bị lạm dụng quá mức. Bác sĩ da liễu có thể đề xuất sản phẩm axit salicylic giúp giảm bong tróc vảy cho người bệnh. Tuy nhiên, sử dụng nhiều sản phẩm có chứa axit salicylic hoặc dùng quá thường xuyên dễ khiến da khô, nặng hơn các triệu chứng. Hãy tham khảo bác sĩ da liễu để được hướng dẫn sử dụng các sản phẩm này đúng cách.
Nên dùng
Kem dưỡng ẩm: Dưỡng ẩm cả ngày, vào những thời điểm quan trọng như ngay sau khi tắm, có thể làm dịu và duy trì độ ẩm cho da. Tuy nhiên, người bệnh nên lưu ý thành phần sản phẩm. Một số chất phụ gia hoặc hương liệu có thể gây bùng phát bệnh.
Kem chống nắng: Vừa giữ ẩm cho da vừa bảo vệ da khỏi các tia cực tím (UV) có hại. Nên chọn kem chống nắng khoáng chất phổ rộng có chỉ số SPF từ 30 trở lên. Tránh dùng kem chống nắng có mùi thơm, chất phụ gia và hóa chất.
Kem urê: Các sản phẩm urê hỗ trợ cân bằng độ ẩm cho da, đồng thời giúp làm bong tróc các tế bào da chết.
Sữa tắm: Người bệnh vảy nến nên chọn sữa tắm không mùi thơm hoặc các chất phụ gia khác. Một nghiên cứu năm 2019 tại Mỹ trên 36 người mắc bệnh vảy nến cho thấy da cải thiện đáng kể khi sử dụng các loại sữa tắm có chứa ceramide/keratolytic.
Dầu gội: Phần lớn người mắc vảy nến gặp tình trạng vảy nến da đầu. Bác sĩ có thể kê thuốc gội đầu hoặc sản phẩm bôi cho da đầu. Người bệnh cũng có thể dùng các sản phẩm dầu gội không kê đơn chứa nhựa than đá (hắc ín). Nhựa than đá hỗ trợ kìm hãm sự tăng sinh của tế bào da, giảm viêm, ngứa và bong vảy. Các sản phẩm chứa 0,5-5% nhựa than đá có hiệu quả với tình trạng da này.
Cách chăm sóc da hằng ngày
Buổi sáng người bệnh có thể dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ, không có mùi thơm. Để tối đa hóa sự hấp thụ vào da, hãy bôi sản phẩm do bác sĩ da liễu kê toa lên da ngay sau khi làm sạch. Đợi thuốc khô hoặc hấp thụ rồi bôi kem dưỡng ẩm hoặc kem dưỡng da lên mặt và cơ thể.
Sau khi kem dưỡng ẩm đã hấp thụ hoàn toàn vào da, tiếp tục bôi kem chống nắng có SPF 30 trở lên. Tránh bôi kem chống nắng lên vùng da đang bị viêm. Người bệnh có thể trang điểm nhẹ nhàng bằng ngón tay hoặc dụng cụ trang điểm mềm. Tránh trang điểm nhiều lớp hoặc thoa sản phẩm quá lâu.
Buổi tối, lặp lại chu trình trên, trừ kem chống nắng. Chỉ tắm dưới 10 phút, dùng nước ấm, xà phòng hoặc sữa tắm dịu nhẹ, có thành phần dưỡng ẩm. Kỳ cọ bằng tay, thay vì dùng khăn lau, xơ mướp để tránh kích ứng da. Đợi đến khi tắm xong, các sợi lông trở nên mềm nhất mới nên cạo râu, dùng kem dưỡng ẩm để cạo thay vì xà phòng thông thường.
Anh Ngọc (Theo Healthline)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |