(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Cả nước ta trong những ngày qua, đã vào cuộc chiến đấu chống lại dịch bệnh Covid-19, một trong những đại dịch nguy hiểm nhất trên thế giới kể từ trước đến nay với tinh thần "chống dịch như chống giặc".
Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, việc cách ly xã hội đã được thống nhất thực hiện trên phạm vi toàn quốc trong vòng 15 ngày kể từ ngày 1/4.
Cho đến nay, trong khi tình hình dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến vô cùng phức tạp nhưng chúng ta đã đạt được những kết quả tương đối khả quan như: không để số ca nhiễm vius SAR-CoV-2 tăng cao, với phác đồ điều trị hiệu quả thì đến nay hơn một nửa số bệnh nhân đã được chữa khỏi.
>> 'Lơ là trường hợp nhiễm nCoV không triệu chứng sẽ trả giá đắt'
Việc truy tìm nguồn lây nhiễm cũng được thực hiện khá thuận lợi khi có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng và sự tự giác của người dân. Trên cơ sở đó chúng ta biết được mầm bệnh đến từ đâu để khoanh vùng, ngăn ngừa, dập dịch kịp thời, và đặc biệt là niềm tin trong nhân dân ngày càng được củng cố và nâng cao, trong xã hội hầu như không xuất hiện tình trạng hỗn loạn do tâm lý hoang mang của người dân.
Có một điều rất quan trọng và thú vị là trong quá trình chống dịch chúng ta đã kiên định thực hiện 4 nguyên tắc cơ bản: Ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, cùng với đó là việc vận dụng cơ chế phòng chống thiên tai với nguyên tắc "4 tại chỗ": Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ đã được vận hành khá nhuần nhuyễn trong nhiều năm qua ở các địa phương trong cả nước.
Sự kết hợp đó đã tạo nên sự chủ động rất lớn trong việc giải quyết những tình huống nguy cấp của đất nước, thiết nghĩ đó chính là những "nguyên tắc vàng" mà có lẽ chúng ta không bao giờ nên quên.
>> Nên kéo dài thời gian cách ly xã hội sau 15/4?
Tuy nhiên, hiện nay diễn biến dịch bệnh còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường, nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu, bặt biệt là việc mất dấu F0 trong những ngày gần đây cho thấy trong cộng đồng đang còn tồn tại những người nhiễm virus SAR-CoV-2 nhưng chưa có biểu hiện triệu chứng và do những lý do nào đó chưa được phát hiện.
Mặt khác, trong một bộ phận dân cư hiện nay đang xuất hiện tâm lý chủ quan khi cho rằng nước ta đã dập được dịch, thậm chí có người còn nghĩ rằng nếu mình chẳng may bị nhiễm virus SAR-CoV-2 thì chắc chắn sẽ được chữa trị khỏi bệnh mà không phải trả tiền. Với những người suy nghĩ như vậy thì việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của họ sẽ bị lơ là, thậm chí bị coi thường. Đó chính là nguy cơ tiềm tàng vô cùng lớn trong cộng đồng, có thể làm dịch bùng phát bất kỳ lúc nào với tốc độ hết sức nguy hiểm.
Bài học nhãn tiền còn đó với những nước như Mỹ và các nước Châu Âu như: Ý, Tây Ban Nha, Anh... và gần chúng ta hơn là Singapore, Indonesia hay Nhật Bản. Hơn nữa, gần đây đã xuất hiện những trường hợp virus SAR-CoV-2 được ủ bệnh đến gần một tháng mới bị phát hiện, cho thấy tính chất ngày càng phức tạp của dịch bệnh.
>> Hai lối chống dịch của Trung - Hàn và bài học cho Việt Nam
Do vậy, vấn đề đặt ra ở đây là những kết quả ban đầu mà chúng ta đã đạt được chưa thể khẳng định một chiến thắng cuối cùng là nước ta đã dập được dịch, như lời Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói: "Chúng ta đã chiến thắng từng trận đánh, nhưng cả cuộc chiến vẫn còn ở phía trước " mà còn cần phải có một chiến lược dài hơi hơn, căn cơ hơn.
Trước mắt, thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đã sắp hết, có lẽ để đảm bảo đi đến một chiến thắng chắc chắn hơn, chúng ta cần thiết phải gia hạn thêm thời gian cách ly xã hội ít nhất là đến 30/4 với tinh thần kiên định và quyết liệt hơn trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trước khi có những thay đổi, điều chỉnh.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Vũ Hồng Sơn