Thận đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể. Một trong những chức năng quan trọng nhất là lọc các chất thải khỏi máu và đào thải ra khỏi cơ thể dưới dạng nước tiểu. Thận cũng giúp kiểm soát lượng nước và các khoáng chất cần thiết khác nhau, góp phần trong việc sản xuất vitamin D, tế bào hồng cầu, hormone điều hòa huyết áp...
Khi nghi ngờ thận không hoạt động bình thường, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm kiểm tra chức năng. Những người bị mắc các bệnh lý có nguy cơ gây hại cho thận như tiểu đường, cao huyết áp cũng có thể được chỉ định kiểm tra chức năng thận để đánh giá tình hình bệnh. Xét nghiệm chức năng thận là các thủ tục đơn giản nhằm phân tích máu hoặc nước tiểu để giúp xác định vấn đề ở thận. Dưới đây là một số loại xét nghiệm chức năng thận thường được sử dụng:
Phân tích nước tiểu
Xét nghiệm phân tích nước tiểu là xét nghiệm cơ bản nhằm phát hiện nồng độ của protein và máu trong nước tiểu. Có nhiều lý do có thể khiến protein rò rỉ trong nước tiểu nhưng không phải tất cả đều liên quan đến bệnh lý nào đó. Nhiễm trùng có nguy cơ làm tăng protein trong nước tiểu nhưng tập luyện thể dục thể thao với cường độ mạnh cũng có thể là một nguyên nhân. Nếu phát hiện có protein trong nước tiểu bệnh nhân, bác sĩ có thể sẽ lặp lại xét nghiệm này sau một vài tuần để đưa ra kết luận cuối cùng.
Ngoài ra, phân tích nước tiểu cũng cho thấy lượng creatinine đào thải ra khỏi cơ thể nhanh như thế nào. Nếu kết quả cho thấy lượng creatinin trong máu tăng lên bất thường khi khả năng đào thải creatinin ra khỏi cơ thể giảm, đây là dấu hiệu của suy thận hoặc rối loạn chức năng thận.
Xét nghiệm creatinine huyết thanh
Đây là một loại xét nghiệm máu để kiểm tra creatinine có tích tụ trong máu hay không. Thận có chức năng lọc creatinine khỏi máu, nồng độ của creatinine trong máu cao đồng nghĩa với có vấn đề về thận. Theo các chuyên gia y tế, mức creatinine lớn hơn 1,2 miligam/ decilit (mg / dL) đối với phụ nữ và 1,4 mg / dL đối với nam giới là dấu hiệu có vấn đề về thận.
Xét nghiệm Nitơ urê máu (BUN)
Xét nghiệm nitơ urê trong máu (BUN) cũng giúp kiểm tra các chất thải trong máu. Xét nghiệm BUN đo lượng nitơ trong máu. Nitơ urê là sản phẩm phân hủy của protein. Tuy nhiên, không phải tất cả các xét nghiệm BUN tăng cao là do tổn thương thận. Một số loại thuốc thường dùng bao gồm aspirin liều lớn và một số loại kháng sinh cũng có thể làm tăng nồng độ nitơ và ure trong máu. Nếu đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, hãy chia sẻ với bác sĩ để không gây ra sự nhầm lẫn. Mức BUN bình thường là từ 7 đến 20mg/ dL, giá trị cao hơn có thể cảnh báo một số vấn đề sức khỏe khác nhau.
Độ lọc cầu thận (GFR)
Độ lọc cầu thận (Glomerular filtration rate - GFR) giúp xác định tốc độ lọc chất thải của thận. Khi chức năng thận suy giảm, độ lọc cầu thận giảm thì các chất thải sẽ tích tụ trong cơ thể và tăng lên trong máu. Ngược lại độ lọc cầu thận càng cao thì thận làm việc càng tốt. Nếu kết quả GFR cho thấy thấp hơn 60mililit /phút /1,73m2 có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý về thận.
Ngoài các xét nghiệm trên, các xét nghiệm hình ảnh có thể giúp bác sĩ xác định các bệnh về thận như sỏi thận hoặc tình trạng chấn thương. Kết quả của mỗi xét nghiệm trên sẽ giúp bác sĩ có được những đánh giá tổng quan về sức khỏe thận. Khi một người có kết quả dương tính với một hoặc nhiều xét nghiệm trên thường là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ về bệnh thận. Nhiều tình trạng tiềm ẩn có thể dẫn đến mất chức năng thận. Do đó, việc chẩn đoán kỹ lưỡng là chìa khóa để tìm ra phương pháp điều trị chính xác trong từng trường hợp.
Bảo Bảo (Theo Healthline, Medical News Today)