"Sân bay Long Thành khởi công rồi, có thể mất 10 năm mới hoàn thành (hoặc lâu hơn nữa) và con số kinh phí có thể sẽ không dừng ở 16 tỷ USD", độc giả Lê Dũng đưa ra nhận xét khi so sánh với sân bay Đại Hưng (Trung Quốc) - có 4 đường băng, đã xây dựng xong trong 5 năm tốn 11,5 tỷ USD. "Còn Long Thành 2 đường băng, 16 tỷ USD nhưng mới chỉ là con số trên giấy".
Theo báo cáo mới nhất nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành, tổng mức đầu tư dự kiến 336.630 tỷ đồng (khoảng 16 tỷ USD) cho một sân bay 7 đường băng với mục tiêu phục vụ 100 triệu lượt hành khách và chuyên chở 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Trên thế giới, nhiều quốc gia gần đây cũng đầu tư sân bay có quy mô tương đương Long Thành, nhưng chi phí rẻ hơn. Điều này khiến độc giả Hoang Nguyen băn khoăn: Việt Nam nghèo hơn so với hai nước kia, nhân công rẻ hơn (cả kỹ sư và công nhân), nguyên vật liệu tự sản xuất được mà sao kinh phí lại cao hơn hai nước kia? Đây còn chưa tính đến việc đây mới là dự toán, ở Việt Nam thường dự toán bao giờ cũng thấp hơn thực tế khi hoàn thành?
"Suất đầu tư các sản phẩm xây dựng, công nghiệp, giao thông... đều cao hơn so với các nước trong khu vực trong khi giá vật liệu ,nhân công lại thấp hơn. Vậy là sao?" - độc giả Nguyễn Tiến Thắng cùng câu hỏi.
Trước thực trạng nhiều dự án chậm tiến độ như đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông (Hà Nội), metro Bến Thành- Suối Tiên (TP HCM), độc giả Văn Minh lo ngại: "Giá thi công 16 tỷ USD tôi thấy không thành vấn đề nếu làm đảm bảo chất lượng quốc tế, đúng tiến độ và đặc biệt không đội vốn. Sợ nhất như đường sắt trên cao Hà Nội đội vốn từ 8.770 tỷ lên 18.000 tỷ đồng (tăng 9.231 tỷ đồng, tương đương trên 205%) hay tuyến Metro TP HCM đội vốn hơn 50 nghìn tỷ..."
"Vốn đầu tư sẽ tăng theo thời gian dự kiến hoàn thành, tôi mạnh dạn dự đoán 2030 vẫn chưa xây xong"- độc giả Nguyên Huỳnh.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.