Tiến sĩ bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết vảy nến là các mảng da bong tróc tạo thành vảy. Vị trí tổn thương có màu hồng hoặc đỏ, thậm chí màu tím, nâu sẫm. Riêng phần vảy có thể màu xám, màu trắng hoặc bạc. Những mảng này có thể xuất hiện bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, thường gặp ở khuỷu tay, đầu gối, da đầu và lưng dưới.
Bệnh vảy nến là bệnh mạn tính không lây, có thể gặp mọi lứa tuổi nhưng thường xuất hiện ở người 20-30 tuổi và 50-60 tuổi, tỷ lệ nam và nữ tương đương nhau. Hầu hết, người bệnh vảy nến chỉ bị ảnh hưởng bởi các mảng nhỏ trên da nhưng một số trường hợp, các mảng vảy nến có thể ngứa hoặc đau.
Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của bệnh vảy nến như phát ban loang lổ với nhiều hình dạng khác nhau, từ những nốt vảy giống như vảy gàu đến nốt ban lớn khắp cơ thể. Đối với người có màu da nâu hoặc da đen thường các nốt ban sẽ có sắc tím. Người da trắng có sắc hồng hoặc đỏ với vảy bạc. Vết vảy nến gây khô da, nứt nẻ, ngứa, rát, có thể chảy máu hoặc đau nhức. Ở trẻ em, các đốm vảy có thể nhỏ hơn so với người trưởng thành. Phát ban xảy ra theo chu kỳ, bùng phát trong vài tuần hoặc vài tháng rồi giảm dần sau đó.
Theo TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, bệnh vảy nến được phân chia qua các dạng lâm sàng bao gồm vảy nến thông thường, vảy nến thể giọt, vảy nến mảng nhỏ, vảy nến đảo ngược, vảy nến đỏ da toàn thân, vảy nến mủ, vảy nến tiết bã, vảy nến tã lót, vảy nến khớp.
Bệnh vảy nến mảng bám (bệnh vảy nến thông thường), chiếm đa số trong các trường hợp. Vảy nến thường xuất hiện dưới dạng các mảng màu đỏ có vảy trắng ở mặt sau cẳng tay, cẳng chân, vùng rốn và da đầu. Bệnh gây các mảng da khô, ngứa, nổi lên (mảng bám) phủ đầy vảy. Các mảng khác nhau về màu sắc, tùy thuộc vào màu da.
Bệnh vảy nến thể giọt (bệnh vảy nến Guttate) có tổn thương các đốm nhỏ hình giọt nước có vảy trên thân, cánh tay hoặc chân. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở thanh niên và trẻ em. Bệnh thường được kích hoạt bởi nhiễm trùng do vi khuẩn như viêm họng liên cầu khuẩn. Bệnh vảy nến thể giọt thường khởi phát do nhiễm trùng liên cầu (miệng họng hoặc quanh hậu môn) và thường xảy ra 1-3 tuần sau khi nhiễm trùng. Bệnh thường thấy nhất ở trẻ em và thanh niên.
Bệnh vảy nến mụn mủ (hiếm gặp) biểu hiện dưới dạng mụn nước nhỏ, không nhiễm trùng, chứa đầy mủ, gây ra các vết phồng rộp có mủ rõ ràng. Vảy nến có thể lan rộng hoặc trên các khu vực nhỏ của lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân.
Bệnh vảy nến nghịch đảo (bệnh vẩy nến đảo ngược, bệnh vảy nến nếp) hình thành các mảng đỏ trên các nếp gấp trên da (háng, mông, vú, xung quanh bộ phận sinh dục). Nhiệt độ, chấn thương và nhiễm trùng có vai trò trong sự phát triển của dạng vảy nến không điển hình này. Người bị bệnh xuất hiện các mảng da bị viêm mịn trở nên tồi tệ hơn khi ma sát và đổ mồ hôi.
Bệnh vảy nến đỏ da toàn thân (ít phổ biến) xảy ra khi ban lan rộng và có thể phát triển từ bất kỳ loại vảy nến nào khác. thường liên quan đến hơn 90% diện tích bề mặt cơ thể. Da người bệnh có thể khô, ngứa, sưng và đau nghiêm trọng. Vảy nến đỏ bao phủ toàn bộ cơ thể bằng phát ban bong tróc có thể ngứa hoặc bỏng dữ dội. Bệnh có thể tồn tại trong thời gian ngắn (cấp tính) hoặc dài hạn (mạn tính).
Bệnh vảy nến móng tay khiến móng tay và móng chân bị rỗ, móng phát triển bất thường và đổi màu. Móng bị vảy nến có thể lỏng ra và tách khỏi nền móng (nấm móng), nếu nặng hơn có thể khiến móng vỡ vụn.
Bệnh vảy nến trẻ sơ sinh (vảy nến thể tã) với đặc điểm xuất hiện các sẩn đỏ có vảy bạc ở vùng quấn tã ở trẻ em, có thể kéo dài đến thân hoặc tay chân.
Bệnh vảy nến ở miệng (rất hiếm gặp) có thể không có triệu chứng, tồn tại dưới dạng các mảng màu trắng hoặc vàng xám. Nứt lưỡi là phát hiện phổ biến nhất ở những người bị bệnh vảy nến miệng.
Bệnh vảy nến tiết bã thường biểu hiện dưới dạng các mảng đỏ có vảy nhờn ở những vùng sản xuất nhiều bã nhờn như da đầu, trán, nếp gấp da cạnh mũi, da quanh miệng, da trên ngực phía trên xương ức và nếp gấp da.
Nguyễn Vân